Liên hệ: 0912 699 269  Đăng nhập  Đăng ký

Ta Ba Lô Trên Đất Á (Rosie Nguyễn)

“The world is a book and those who do not travel read only one page”.

- St. Augustine.

Chào bạn, bạn đang cầm trên tay cuốn sách hướng dẫn về du lịch bụi đầu tiên của Việt Nam. Có thể bạn là một người trẻ, khao khát mơ về chuyến đi đầu tiên của mình nhưng không biết làm cách nào để bắt đầu? Hoặc bạn là một người đã đi nhiều nơi, nhưng chỉ đi theo tour và đang tìm hiểu về du lịch bụi? Hay bạn là một phượt tử đã đi được kha khá nơi, nhưng vẫn muốn biết xem quyển sách này có gì hay ho mới mẻ? Nếu vậy, thì đây là quyển sách dành cho bạn.

Hầu hết mọi người đều thích du lịch, và hầu hết người trẻ đều thích du lịch bụi. Nhưng làm thế nào để có thể đi? Nếu bạn đang tự hỏi câu đó, thì tôi có tin mừng cho bạn: Du lịch bụi không phải là chế tạo tên lửa. Nó dễ thôi, và không tốn nhiều tiền như ta tưởng. Còn nếu bạn đã có kinh nghiệm trong chuyện này, tôi chắc rằng bạn sẽ gật đầu với tôi. Trong trường hợp bạn không thuộc nhóm nào trên đây, bạn là người, bình thường, không cuồng du lịch, không yêu thích đi xa trải nghiệm như những người trẻ máu lửa khác (chà, bạn thuộc vào loại hiếm đấy). Bạn chỉ muốn tìm hiểu về những nền văn hóa khác, muốn có một vài thông tin, kiến thức về những dân tộc láng giềng để giúp ích cho việc kết bạn giao lưu văn hóa hoặc cho công việc của bạn, hay bạn chỉ đơn giản là đang trải qua một cuối tuần rảnh rỗi, nhặt quyển sách này lên và tự hỏi: “Cái quái gì ở trong này nhỉ?”. Ở đây, tôi có những câu chuyện hay cho bạn.

Lý do ra đời của quyển sách này xuất phát từ kết quả của những quan sát về tình hình thực tế. Có hàng loạt đầu sách của các tác giả người Việt về du lịch và du ký khiến ta không khỏi mơ mộng về những cuộc hành trình khám phá và chinh phục thế giới: Châu Âu, Bắc Mỹ, Nam Phi, Trung Đông, Ai Cập, và trời ạ, còn có Seychelles, Fiji và thậm chí là cả Nam Cực nữa chứ. Ngày càng có nhiều người Việt hòa nhập thế giới, chu du khắp mọi nơi trên Trái Đất này, và chia sẻ những ký ức tuyệt diệu về hành trình của họ. Bên cạnh đó, lại có rất nhiều bạn trẻ khao khát được đi, nhưng lại không biết bắt đầu như thế nào. Và đây là lỗ hổng mà tôi nhận thấy. Trong rất nhiều quyển sách du ký do người Việt viết hiện có trên thị trường, không có bất kỳ quyển sách nào hướng dẫn người trẻ một cách cụ thể làm thế nào để bắt đầu cuộc hành trình của mình. Cuốn sách này ra đời là để giải quyết vấn đề đó. Tìm mua: Ta Ba Lô Trên Đất Á TiKi Lazada Shopee

Phân tích chi tiết hơn, có thể thấy, du lịch bụi hiện nay đang nổi lên như một trào lưu mới. Người trẻ hô hào rủ nhau đi và đi. Rất nhiều người viết về du lịch, về các địa điểm, các câu chuyện. OK, tất cả các câu chuyện nghe đều có vẻ hấp dẫn, nhưng rất nhiều bạn trẻ vẫn ngồi đấy, mài mông trên chiếc ghế nhà trường mòn vẹt, hoặc nhốt mình trong văn phòng ngột ngạt, mơ tưởng về những chuyến đi. Và đến khi họ bắt đầu chuyến đi của mình, họ gặp khó khăn, họ không biết bắt đầu từ đâu, họ không rõ tìm thông tin thế nào, làm cách nào để không bị lừa, nên đi đâu, làm gì, có nguy hiểm không, và vạn tỉ thứ khác đổ dồn trong đầu khiến những người mới bắt đầu lúng túng. Vậy nên, đó chính xác là điều tôi sẽ làm trong quyển sách này. Không như những quyển sách du ký hay nhật ký hành trình, ở đây tôi sẽ chỉ cho những người muốn đi du lịch bụi một cách tỉ mỉ làm thế nào để khởi hành chuyến đi của riêng mình.

Sách của tôi có thông tin và các câu chuyện. Tất cả đều thực tế và sống động với kinh nghiệm nhiều năm lữ hành của khổ chủ. Vì tôi đã trải qua tất cả những điều đó, nên tôi không muốn những người đi sau phải tốn nhiều thời gian, công sức và chi phí như tôi. Cái tôi muốn là truyền đạt những kinh nghiệm của mình, để nếu có thể sẽ giúp bạn giảm thiểu hết mức rủi ro và chi phí, và tăng hết mức niềm vui và trải nghiệm.

Sách gồm những chia sẻ về kinh nghiệm cơ bản để chuẩn bị cho du lịch bụi, tất tần tật mọi thông tin, công cụ, mẹo hay giúp ích cho dân du lịch bụi trên hành trình của mình. Thêm vào đó là thông tin du lịch của một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, gồm Campuchia, Thái Lan, Myanmar, Malaysia, Singapore, Indonesia, Philippines. Mỗi đất nước tôi sẽ trình bày các thông tin chi tiết ở quốc gia đó, cùng những câu chuyện hành trình của tôi ở mỗi nơi.

Những điều tôi chú trọng khi viết về một đất nước nào đó bao gồm: lịch sử, văn hóa, và con người, đặc biệt là nhấn mạnh những nét tính cách dân tộc mà tôi có dịp tiếp xúc và trao đổi trong mấy năm trời vừa đi vừa làm việc không ngừng nghỉ với các dân tộc xung quanh châu Á. Vì sao? Vì những điều này liên quan mật thiết đến du lịch bụi, đồng thời sẽ giúp thêm cho những bạn muốn tìm hiểu về văn hóa các dân tộc xung quanh.

Bạn đừng nghe tới lịch sử mà ngán, vì nếu biết cách học thì những câu chuyện lịch sử thường rất thú vị. Bản thân tôi rất chán học sử vì phải thuộc lòng quá nhiều, nhưng tôi không thể phủ nhận rằng lịch sử của một vùng đất lý giải được rất nhiều điều về văn hóa, con người của vùng đất đó. Với những nơi tôi có dịp đi qua, tôi thường hứng thú tìm hiểu quá khứ của chúng một cách tường tận. Vì càng đi tôi càng thấm thía câu thơ của Chế Lan Viên: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở. Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn”. Mỗi vùng đất tôi qua đã trở thành một phần máu thịt của tôi, khiến tôi không ngại bỏ công tìm hiểu, và lại càng yêu nơi chốn đó hơn.

Theo kinh nghiệm của tôi, khi đến một địa điểm nào đó mà không có kiến thức nền chuẩn bị, thì tôi đều mù mờ và không có cảm xúc gì đặc biệt. Ngay cả những thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa quan trọng, nếu mình không biết ý nghĩa của chúng, chỉ thấy đó là những ngôi đền bình thường, khu vườn tầm thường, và rốt cuộc ta chẳng học được gì cả. Cho nên khi đi một nơi nào đó, tìm hiểu về nó càng nhiều càng tốt là cách đi của tôi. Ở đây, để tiết kiệm thời gian cho bạn, tôi sẽ cố gắng tóm tắt những điều thú vị nhất tôi thấy về lịch sử từng nước, mong rằng đó là bước đầu giúp bạn tìm hiểu sâu hơn về vùng đất bạn sắp đến.

Tuy vậy, khác với các sách hướng dẫn du lịch như Lonely Planet, Rough Guides hay Fodor’s, bạn sẽ không tìm thấy ở đây các gợi ý về nơi ăn chốn ở, nhà hàng, khách sạn hay quán bar. Đơn giản là vì những thông tin đó thay đổi khá nhanh, mất nhiều thời gian để tổng hợp, và mang tính chủ quan cao. Thay vào đó, tôi sẽ chỉ bạn những chỗ để tìm các gợi ý đó, và họ làm tốt hơn tôi. Mặc dù vậy, tôi cũng sẽ đề cập đến những nơi tôi ở trong các cuộc hành trình của mình.

Về cách đọc sách, bạn có thể đọc hết một lượt, hoặc giở ra đọc bất kỳ nước nào bạn thích. Bạn có thể đọc những thông tin này trước khi đến đất nước đó, để quan sát và đối chiếu với những gì bạn thấy trên đường. Hoặc có thể bạn chỉ trở nên hứng thú tìm hiểu về vùng đất đó sau khi đã kết thúc hành trình, nên sau đó về nhà nghiên cứu thật kỹ. Cách đi nào cũng có cái lợi xen lẫn cái hại. Mặt lợi của việc không tìm hiểu trước thông tin là khi đi đường là bạn sẽ hoàn toàn khách quan, không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ kiến thức nền nào cả, và bạn nhìn sự vật sự việc một cách chân thực nhất, có những cảm xúc trung thực nhất. Tuy nhiên, điều đó cũng dẫn đến tình huống là đôi khi đứng trước một công trình kiến trúc có ý nghĩa to lớn nhưng bạn hoàn toàn dửng dưng, vì bạn không được biết về những câu chuyện ẩn đằng sau nó. Dù sao thì tôi cũng hy vọng bạn sẽ tìm thấy những điều có ích qua những thông tin về các quốc gia được đề cập trong sách.

Người ta đi được, sao bạn lại không?

Để tôi kể cho bạn nghe một câu chuyện nhỏ.

Hồng Hảo, một em sinh viên mà tôi quen, đã làm một chuyến đi bụi từ Campuchia qua Thái Lan suốt cả tháng trời mà chỉ với hai triệu đồng, còn rẻ hơn chi phí sinh hoạt ở Việt Nam một tháng. Khánh Ngân, một cô bé khác mới mười tám tuổi đã đi sáu mươi tư tỉnh thành của Việt Nam với chiếc túi thường xuyên rỗng không, chỉ bằng đi nhờ xe và ở nhờ nhà người lạ dọc đường. Khi tôi đang viết những dòng này thì em ấy đã kịp băng qua Lào, Campuchia và Thái Lan, giờ đang tìm đường đến Ấn Độ bằng đường bộ, lúc bắt đầu chuyến đi em ấy chỉ có bốn trăm nghìn đồng trong túi. Huyền thoại? Không đâu. Họ chỉ như chúng ta, tóc đen, da vàng, những con người rất bình thường. Cái họ có là thông tin và lòng hăng hái.

Khi tôi nghe Hảo kể về hành trình của mình, tôi đã trầm trồ một cách thích thú. Không phải vì tôi ngạc nhiên là em ấy quá giỏi hay quá can đảm, mà vì tôi ngỡ ngàng nhận ra rằng cái mà em ấy có mà khi bằng tuổi em tôi đã không có, đó là thông tin. Và tôi đã đánh mất thời gian và cơ hội của mình chỉ vì như vậy. Ở tuổi hai mươi, em đã tham gia vào các diễn đàn du lịch quốc tế, đã nghe về các chuyến đi vòng quanh địa cầu, đã dò nát lộ trình từng chặng, cách đặt vé máy bay, cách xin thị thực và lên kế hoạch. Ở tuổi hai mươi, em ấy đã biết là chúng ta có thể đi du lịch bụi với chi phí rẻ đến thế nào, và em đã đi. Còn tôi, tuổi hai mươi tôi đã không biết, và tôi đã nhốt mình trong bốn bức tường của căn phòng trọ.

Còn bạn thì sao? Bạn có muốn bỏ lỡ như tôi không? Tôi thì không, nếu như có thể trở về tuổi hai mươi thơ dại ấy, tôi cũng ước gì mình có thể đi. Nên tôi cho bạn cái bạn cần: thông tin, sự chuẩn bị. Để bạn biết rằng điều ấy có thể. Để bạn cũng lên đường.

Nghe có vẻ là điều bạn đang tìm kiếm? Thật tuyệt, vậy chúng ta hãy cùng bắt đầu nào.

***

Trên thế giới này, từ miền cực bắc giá lạnh đến vùng nhiệt đới cháy nắng, từ phương Tây phóng khoáng đến phương Đông huyền bí, có biết bao người ra đi vì tiếng gọi của những con đường, biết bao người ra đi vì tiếng gọi của miền đất mới. Đường xa vẫy gọi, tất cả họ đều nghe tiếng nói thôi thúc trong tim.

Cụm từ “the traveler”, người lữ hành, không phải xuất hiện mới đây. Hàng nghìn năm về trước, từ thuở khai sinh loài người, các bộ lạc nguyên thủy đã chia làm hai loại, bộ lạc du mục và bộ lạc định cư. Theo thời gian, những nền văn minh hình thành, với các thành phố, pháo đài, bộ máy nhà nước. Con người dần dần quay về sống quây quần với cộng đồng của mình trong những lãnh thổ khác nhau. Nhưng có một số người nào đó, dường như còn vương vất lại dòng máu lãng du của tổ tiên mình, vẫn tiếp tục lang thang từ miền này đến miền khác.

Trong những tác phẩm văn học thiếu nhi, thi thoảng ta vẫn bắt gặp hình ảnh của một người đàn ông gầy gò, râu tóc bạc phơ, đôi mắt sáng với cái nhìn khỏe khoắn, rong ruổi qua làng mạc núi non, sưu tầm những bài dân ca, những câu đồng dao, thần thoại, và kể chuyện cổ tích cho trẻ con nghe. Chính một ông già như thế trong câu chuyện Cánh buồm đỏ thắm đã khơi gợi niềm tin mãnh liệt của cô bé Assol, khiến cô tin vào một cánh buồm đỏ đến đón cô đi vào cuộc đời mới, với những chân trời mới đầy tình yêu và hy vọng. Chính ông già ấy đã gieo ước mơ vào lòng cô từ những ngày thơ bé, để nó nảy mầm và thành hiện thực khi cô lớn lên. Có lẽ những ông già như vậy, là ông tổ của những người lữ hành.

Trải qua bao nhiêu năm, những người lữ hành hiện đại được trang bị với Internet, với các diễn đàn chuyên dành cho dân lữ hành, với các thiết bị chuyên dụng. Số lượng của những người lữ hành chuyên nghiệp ngày càng tăng lên, nhưng vẫn còn là một con số ít ỏi so với những nghề nghiệp khác. Họ vốn là những người muốn thoát ra khỏi cái vòng cuốn lẩn quẩn của công việc thường nhật và môi trường chật hẹp. Họ yêu thích khám phá những vùng đất xa lạ và tìm hiểu những nền văn hóa khác nhau. Họ đánh giá cao những trải nghiệm trong đời hơn là sở hữu vật chất.

Và cũng giống như ông lão Egle trong Cánh buồm đỏ thắm ngày xưa, những người lữ hành ngày nay là những người khơi gợi ước mơ. Qua kinh nghiệm của họ, qua trí tưởng tượng của họ, những câu chuyện của người lữ hành luôn mang đến nguồn cảm hứng cho những người khác, khiến họ mơ đến những vùng đất thần tiên, khiến họ tin vào những gì tốt đẹp ở đời, khiến họ mong về một tương lai tươi sáng hơn, trái ngược với cuộc sống đầy khó khăn hiện tại.

Như những người đứng bên lề xã hội, dân lữ hành luôn phải chịu những phản đối, thất vọng từ gia đình, những chỉ trích từ cộng đồng. Jodi Ettenberg (http://www.legalnomads.com), người đã từ bỏ công việc luật sư ở New York để trở thành một travel blogger kể về cuộc sống lữ hành toàn thời gian của cô một cách hài hước. Một lần cô gọi cho gia đình từ Việt Nam. Cha cô hỏi: “Con đang làm gì ở đó vậy con yêu?”, “Con ăn bún cha à, mỗi ngày”, “Cái gì? Bún hả? Hằng ngày sao?”, “Dạ, nơi này có nhiều loại bún lắm cha ơi, và con đang thử hết tất cả các loại”. Ông cười và bảo rằng: “Jodi, cha rất yêu con, nhưng cuộc sống của con làm cha thấy bối rối quá”.

Nhưng không phải ai cũng nhẹ nhàng như cha của Jodi. Cô nhận được nhiều email từ các bậc phụ huynh, giận dữ bảo rằng cuộc sống của cô là một tấm gương xấu cho con cái của họ, khiến chúng sống ngày càng vô trách nhiệm. Những người khác thì hỏi rằng tại sao cô lại lựa chọn sống lang thang như vậy, và cô đang cố lẩn tránh điều gì. Trong khi thực tế thì Jodi chỉ yêu thích phiêu lưu trên những vùng đất mới.

Liz Carlson (http://youngadventuress.com), một traveler khác, kể rằng khi trở về sau chuyến du hành vài năm, cô thấy nhiều người vốn là bạn thân bỗng quay lưng lại với cô. Cô bảo: “Lựa chọn một cuộc sống lữ hành có thể khiến bạn bị xa lánh”. Không chỉ có thế, người lữ hành thường xuyên phải đối diện với những khó khăn trên đường, những cô đơn thất vọng khi kiệt sức, và phải làm việc cật lực để có thể đi tiếp. Tác giả chia sẻ rằng để làm một người du hành, bạn phải làm việc vất vả hơn bao giờ hết, rằng thu nhập của bạn sẽ không ổn định, cùng với nhiều gian khổ khác nhau.

Các lữ khách bị nhiều người chỉ trích rằng họ lựa chọn một cuộc sống thảnh thơi, không biết tích lũy cho sau này, không có trách nhiệm với xã hội, chạy theo những giấc mơ hão huyền trong đời sống, và sẽ chết già không nơi nương tựa. Nhưng cùng với những chỉ trích chua cay về họ, vẫn có rất nhiều người khác, hằng ngày nhắn hỏi làm cách nào để có thể sống được như vậy.

Cuộc đời là thế, không thể tránh khỏi những khác biệt, những mâu thuẫn. Nhưng có nhiều điều khác nhau, có những thứ phong phú đa dạng mới là cuộc đời, và chính những điều đó làm nên nét đẹp của cuộc sống. Mỗi người đều có những sở thích, những ước mơ riêng. Nói như tác giả Phạm Lữ Ân: “Có người mải mê rong chơi, có người chỉ thích nằm nhà đọc sách. Có người phải đi thật xa đến tận cùng thế giới thì mới thỏa nguyện. Có người chỉ cần mỗi ngày bước vào khu vườn rậm rạp sau nhà, tìm thấy một vạt nấm mối mới mọc sau mưa hay một quả trứng gà tình cờ lạc trong vạt cỏ là đủ thỏa nguyện rồi”.

Có người tìm thấy chính mình trên hành trình vạn dặm, nhưng cũng có người ngộ ra đạo lý khi ngồi dưới mái nhà của mình, trên chiếc giường quen thuộc của mình. Ai cũng có quyền lựa chọn cách sống riêng, miễn là không phương hại đến người khác. Đừng vì người ta khác mình mà dè bỉu gièm pha, đừng vì họ khác mình mà ghét họ. Đừng cho những người ở nhà là buồn chán cổ hủ, cũng đừng lên án kẻ lang thang là sống vô ích vô tâm. Hãy làm tốt việc của bản thân, ngừng xen vào chuyện người khác.

Nhưng lẽ đời, nói thường dễ hơn làm. Khác biệt thường gây ra xung đột. Tác giả Chuyện con mèo dạy hải âu bay viết: “Thật dễ dàng để chấp nhận và yêu thương một kẻ nào đó giống mình, nhưng để yêu thương ai đó khác mình thực sự rất khó khăn”. Tôi thực chỉ ước có một nơi nào đó trên thế giới, nơi những suy nghĩ tự do, độc đáo được khuyến khích, nơi những khác biệt chung sống cùng với nhau, thuận hòa, an nhiên.

Cũng như thời xưa cũ, những con đường luôn vẫy gọi trái tim của những con người mang trong mình dòng máu du mục. Má của tôi, một cô giáo làng nuôi mộng văn chương từ thuở bé, dù giờ đã hơn năm mươi tuổi, nhưng Người vẫn luôn nói rằng khi nghỉ hưu, Người mong ước được phiêu du trên những miền đất lạ, và được viết hăng say.

Elizabeth Gilbert từng kể về một thời trẻ tuổi, khi bà lang thang khắp nơi ở lục địa châu Âu, làm đủ nghề từ bồi bàn đến trông trẻ, để gặp những người xa lạ, để nghe những câu chuyện kể, và cặm cụi viết trong những đêm tối đen sau một ngày cực nhọc. Cũng như họ, tôi cũng ước mơ một ngày nào đó. Một ngày nào đó, tôi sẽ lang thang trên hành trình vạn dặm, và viết với tất cả trái tim mình.

Độc giả có thể tìm mua ấn phẩm tại các nhà sách hoặc tham khảo bản ebook Ta Ba Lô Trên Đất Á PDF của tác giả Rosie Nguyễn nếu chưa có điều kiện.

Tất cả sách điện tử, ebook trên website đều có bản quyền thuộc về tác giả. Chúng tôi khuyến khích các bạn nếu có điều kiện, khả năng xin hãy mua sách giấy.

Nguồn: thuviensach.vn

Đọc Sách

Quê Hương Tôi (Tràng Thiên)
Trong tập tuỳ bút này, Tràng Thiên bàn về đủ chuyện của nước Việt: từ chiếc áo dài, cho đến những món ăn, rồi những tập tục, tiếng nói, ngôn ngữ, v.v.. Dù bàn luận về chuyện gì, thì trong đó luôn hàm chứa một nỗi niềm trăn trở, khắc khoải với quê hương. *** Nhã khúc quê hương Đọc Quê Hương Tôi của Tràng Thiên (Võ Phiến), tôi chợt nghĩ tới ca từ trong bài hát Mái Đình Làng Biển: “Gửi vào đây vào đây vui buồn người Việt Tìm mua: Quê Hương Tôi TiKi Lazada Shopee Gửi vào đây vào đây tâm hồn người Việt…., Ơi nước non ân tình Hồn Việt Nam như thế Hơ … thuở bình minh” Có lẽ “Quê hương tôi” (QHT) chính là vậy! Và trước mắt tôi hiển hiện hình dáng cụ Võ Phiến đang so dây chiếc đàn bầu, gảy từng tiếng lòng của đất nước, giữa một khán phòng nhạc giao hưởng phương Tây. Tiếng đàn dân tộc độc đáo chợt như lạ lẫm, và bỡ ngỡ trước những đổi thay của xã hội trong thời đại mới… đàn đôi lúc ngân nga cung đúng của dân ca miền Bắc, lúc là cung oán của dân ca miền Nam, rồi lại chuyển sang cung ai trong dân ca Thừa Thiên - Quảng Trị. Đọc QHT để cảm nhận tình yêu đất nước tha thiết của một người Việt đã sống hơn nửa đời người, nhìn đất nước thay da đổi thịt theo vòng quay của thời cuộc, mà hoài niệm, mà lo lắng; đó có lẽ cũng là tâm trạng chung của một thế hệ cha ông chúng ta trước sự du nhập của một trào lưu mới, đang làm thay đổi phần nào cách sống, cách nghĩ của dân tộc mình, đất nước mình. Với tôi, QHT như một điệu lý dân dã, ngọt ngào nhiều luyến láy, trúc trắc, lại gần gũi thân thương. Điệu hò ấy sẽ dẫn ta đi suốt chiều dài đất nước, từ Bắc, lên Thượng du, xuôi dọc Trung, vào tới Nam. Thủ thỉ cho ta nghe đặc điểm của từng vùng miền, từ giọng Huế dịu dàng, đến vẻ bình thản của người Huế, chững chạc mà khuôn phép…Từ cuộc di dân Nam tiến của người Bình Định, làm thay đổi cả giọng nói, cách nói… Từ nhận xét rằng trong huyết quản của mỗi người dân Quảng hình như đều có tí máu “chính trị luân lưu”… đến cái tính cách “rụp rụp” mau mắn của dân miền Nam, với cái tiếng” rồi” tiếng “luôn” rất đặc trưng điển hình. Từ câu lục bát ru con của dân tộc Chàm, đến hình ảnh cô giáo người Thượng ngày ngày điệu con lên lớp; giải nghĩa cho ta biết xuất xứ của tên gọi nhiều địa danh, nghe quen đọc hoài mà giờ mới hiểu như Đà Nẵng, Hội An, kinh Vĩnh Tế… Đàn cũng réo rắt tỉ tê với tôi về chiếc áo dài dân tộc, như tự hào về nét đẹp truyền thống, tuy kín đáo mà lại gợi mở nhẹ nhàng thướt tha đón gió. Và chiếc áo dài quốc phục này hầu như chỉ dành riêng nhất cho dáng vẻ dịu dàng của phụ nữ Việt Nam. Và trong giai điệu trầm bổng lao xao cả tiếng rao hàng nơi góc chợ: “Hai tay xách hai vịm, Một vài mụ le te, Tiếng non rao lảnh lót: Chốc chốc: ‘Ai ăn chè’?” Quê hương có chè Huế tế nhị, thanh tao, có món bún bò Huế cay cay dậy mùi quyến rũ, hay với bát nước chè Huế ngon lành được nấu tỉ mỉ, công phu, bát chè phải thật nhiều bọt, đầy bọt, bọt hầu như phủ kín mặt nước, thứ bọt dẻo quánh lại, và nhỏ hạt, uống một bát là uống cả niềm sảng khoái dân dã, thâm tình. Món ngon rải đều khắp mọi miền đất nước, những món ăn gắn với lịch sử nước nhà như bánh tráng của Bình Định, có món là đặc thù của vùng miền như nước mắm Phan Thiết, sa-kê và mắm của miền Nam. Đâu chịu dừng ở món ăn, Võ Phiến còn vẽ những bức tranh rất thơ với cây liễu, cây nhãn lồng ở Huế, hoa dầu bay bay Sài Thành, sắc anh đào hồng thắm Đà Lạt, cây bàng đất Vũng Tàu… hay phượng đỏ rực trời Đà Nẵng. Nhưng điệu xàng xê của QHT không chỉ là giọng kể, mà tràn đầy nỗi niềm lo lắng trước sự đổi thay, lo về những tập tục truyền thống như cúng giỗ, thờ tổ tiên bị xem nhẹ, lo về cái thú hưởng nhàn tao nhã của tiền nhân sắp bị thay thế, về cái tình trong đối nhân xử thế rồi sẽ bị cái lý soán ngôi. Cả nỗi lo về vốn từ ngữ của dân tộc không phong phú, không phát triển như Tàu, như Tây. Nhẩn nha đọc lại Võ Phiến mới thấy câu ca dao xưa thật hay: “Yêu nhau trái ấu cũng tròn Ghét nhau bồ hòn cũng méo” Trái ấu trong QHT nằm trong hai tập tính của dân mình: chửi (chửi tục) và không cười. Kiểu nào thì Võ Phiến vẫn cứ “đáng yêu” và lập luận thật lý lẽ, nghe xong chỉ có thể mỉm cười xoa tay hài lòng. Điệu hò QHT khi kết thúc vẫn còn âm vang trong tôi tiếng chim én “những cánh én lao tới lao lui, rộn cả lên,” nó ríu rít, “nó cuống quýt, nôn nao, rộn rực một niềm vui không chịu được, niềm vui rung lên trong tiếng kêu.” Cùng với đó là hình ảnh “ở chân trời, vài đám khói ùn lên, chậm chạp, tỏa cao và rộng. Khói đốt cỏ: Nông dân phát cỏ, dồn lại đốt, để chuẩn bị làm mùa. Chao ơi, những đám khói đốt cỏ ở chân trời trong nắng trưa, sao mà xúc động, cảm hoài.” Chao ôi! Tiện tay phóng bút sao hay đến vậy? Bằng lối hành văn bình dị mà giàu cảm xúc, êm như thơ mà hóm hỉnh, trào lộng, thêm chút châm biếm tê người, Võ Phiến đã tấu lên một nhã khúc mang bóng hình Đất - Nước - Tâm - Hồn người Việt chúng ta. Lichan - Happiness ProjectĐộc giả có thể tìm mua ấn phẩm tại các nhà sách hoặc tham khảo bản ebook Quê Hương Tôi PDF của tác giả Tràng Thiên nếu chưa có điều kiện.Tất cả sách điện tử, ebook trên website đều có bản quyền thuộc về tác giả. Chúng tôi khuyến khích các bạn nếu có điều kiện, khả năng xin hãy mua sách giấy.
Người Thầy - Hồi Ức Của Một Nhà Giáo Mỹ (Frank Mccourt)
“Từ những con phố Ireland nghèo khổ đến những lớp trung học của thành phố New York, Frank McCount đã đổi khu vườn gian khó này lấy khu vườn gian khó khác, nhưng luôn luôn là con mắt hài hước, trái tim biết cảm thông và cái tài của một người kể chuyện bậc thầy. Người Thầy chính là một tiếng kêu từ trong cơ man chướng ngại vật của giáo dục công, là tài liệu cần phải đọc không chỉ cho tất cả các thầy cô giáo mà cho bất kỳ ai từng đặt chân vào một trường trung học. Thật may, sẽ không có bài kiểm tra nào hết. - Billy Collins, tác giả “Vấn đề về thơ: và những bài thơ khác” “Vẫn lối hóm hỉnh sâu cay ấy, giọng trữ tình ấy, và khiếu văn đối thoại rõ rành ở đây… Cái mất của nghề dạy học thành cái được trọn vẹn của công chúng đọc.” - Kirkus Reviews “Một cuốn sách cũng nên là tài liệu đọc bắt buộc cho mọi giáo viên ở Mỹ.” - Publishes Weekly “… Ông đã miêu tả một người thầy mà tất cả chúng ta đều ước ao có được.” - Ron Charles, The Washington Pose “Trân trọng giới thiệu: Một hành trình khám phá cho các học sinh và thầy cô giáo và, trên hết, cho tất cả những ai đọc cuốn sách tuyệt vời này. Người Thầy can hệ tới tất cả chúng ta.” - Mark Bay, Library Journal. Tìm mua: Người Thầy - Hồi Ức Của Một Nhà Giáo Mỹ TiKi Lazada Shopee Gần một thập kỷ trước, ở tuổi sau mươi sáu, Frank McCount trở thành ngôi sao bất đắc dĩ khi xuất hiện trên văn đàn với Angela’s Ashes, quyển hồi ký giành giải thưởng Pulitzer kể về thời ấu thơ của ông ở Limerick, Ireland. Sau đó đến ‘Tis, tự thuật vô cùng thú vị về những năm đầu tiên ông sống tại thành phố New York. Giờ đây là quyển sách từ lâu được mọng đợi của McCount, giải thích vì sao mà sự nghiệp dạy học ba mươi năm quyết định màn hai đời ông với tư cách một nhà văn. Người Thầy cũng là lời tỏ lòng kính trọng khẩn thiết gửi đến các thầy cô giáo ở khắp mọi nơi. Bằng văn phong táo bạo và sinh động làm nổi bật tài hóm hỉnh đôi khi hơi bất kính cùng bản tính thành thật lay động lòng người, McCount đã ghi lại mọi gian truân, thành tựu và không ít bất ngờ ông đối diện tại các trường trung học công quanh địa phận thành phố New York. Phương pháp của ông không gì ngòai lối cổ truyền - McCount tạo được ảnh hưởng lâu dài lên học sinh thông qua những bài luận phát huy tối đa trí tưởng tượng (ông ra đề cho cả lớp viết Thư Adam hoặc Eve xin lỗi chúa Trời) hát các cách nấu ăn và những chuyến đi thực tế. McCount đấu tranh tìm phương pháp giảng dạy tối ưu trong lớp học, dành buổi tối uống rượu với các nhà văn, và mơ đến một ngày trải câu chuyện của chính mình lên trang giấy. Người Thầy cho thấy McCount đã phát triển khả năng vô song ấy khi kể một câu chuyện lớn, năm ngày một tuần, năm tiết một ngày, giành được sự chú ý và tôn trọng của lớp thanh thiếu niên ngỗ ngược, lãnh đạm đang tuổi trưởng thành. Cuộc hôn nhân sóng gió, nỗ lực lấy bằng thạc sĩ ở Trinity College bất thành, bị sa thải liên miên vì thói quen phản ứng trước cấp trên, mỉa mai thay lại đưa McCount đến với một trong những trường trung học uy tín nhất toàn New York, trường Trung học Stuyvesant, nơi cuối cùng ông cũng tìm thấy một vị trí, một tiếng nói cho mình. “Sự gan góc bền chí,” ông nói, “tuy không hấp dẫn như khát vọng hoặc tài năng hoặc vẻ quyến rủ, song vẫn là thứ duy nhất đã giúp tôi vượt qua bao ngày đêm.” Với McCount, tự thân việc kể chuyện là khởi nguồn cứu rỗi, và ở Người Thầy, hành trình đi đến cứu chuộc cũng như sự nghiệp văn chương là một cuộc phiêu lưu hồ hởi. Năm 1976, ông được phong danh hiệu Nhà giáo của Năm, danh hiệu cao quý của một nhà giáo Mỹ.Độc giả có thể tìm mua ấn phẩm tại các nhà sách hoặc tham khảo bản ebook Người Thầy - Hồi Ức Của Một Nhà Giáo Mỹ PDF của tác giả Frank Mccourt nếu chưa có điều kiện.Tất cả sách điện tử, ebook trên website đều có bản quyền thuộc về tác giả. Chúng tôi khuyến khích các bạn nếu có điều kiện, khả năng xin hãy mua sách giấy.
Susan Boyle - Thiên Thần Xấu Xí (John Mcshane)
Với tuổi 48, thân hình béo ú, đầu tóc bù xù, bận một chiếc váy rơm quê mùa bước lên sân khấu chương trình Britain’s Got Talent, Susan Boyle đã nhận những cái nhìn diễu cợt, coi thường từ phía khán giả và cả chính những vị giám khảo nổi tiếng đang cầm chịch chương trình. Thế nhưng, khi ca khúc Tôi mơ một giấc mơ (I dreamed a dream) cất lên cùng với một giọng hát trời phú lảnh lót, cả khán phòng đã vỡ òa xúc cảm: Susan Boyle vô danh vụt sáng trở thành thần tượng âm nhạc chỉ sau một đêm, được hàng trăm triệu người biết tới. Cô trở thành ca sĩ chuyên nghiệp với hai album I dreamed a dream (album bán chạy nhất thế giới năm 2009, lập được kỷ lục Guiness cho album đầu tay bán chạy nhất với một nữ ca sĩ) và The gift. Năm 2011, cô còn được đề cử giải Grammy… Cuốn sách Susan Boyle thiên thần xấu xí tập trung vào giai đoạn từ khi Susan quyết định rời khỏi ngôi làng nhỏ của mình cho tới khi đạt được thành công cả về danh tiếng và tài chính, được cả thế giới nghiêng mình ngưỡng mộ. Tác giả John McShane đã tổng kết lại từ hàng nghìn bài báo, website, xem cả trăm chương trình truyền hình để dựng nên một chân dung chuẩn xác nhất về Susan Boyle. Gần như chẳng còn một thông tin nào về người phụ nữ này bị bỏ sót trong cuốn sách, từ những câu chuyện thời niên thiếu, cuộc sống gia đình và cả khát vọng vươn tới những điều tốt đẹp… Ngoài ra, tác giả còn mô tả lại cách giới truyền thông đã phản ứng như thế nào trước hiện tượng Susan Boyle - khi họ chợt giật mình nhận ra, một tài năng tuyệt vời không buộc phải đi cùng một ngoại hình đẹp. Chính vì vậy, Susan Boyle thiên thần xấu xí là một cuốn sách cổ vũ cho những giấc mơ, dẫu biết rằng cô chỉ là một tài năng hiếm hoi trong hàng triệu người. ***Người phụ nữ trung tuổi bước khoảng chục bước lên sân khấu. Những bước chân vừa dè dặt, lo lắng lại vừa dứt khoát, quyết tâm. Nửa chừng, khi tiến vào giữa ánh đèn, bà đặt bàn tay trái lên hông trong chốc lát, một cử chỉ vừa mang vẻ duyên dáng cực kỳ nữ tính vừa có phần không phù hợp và vụng về.Bà mặc bộ váy viền ren với cái màu mà nếu châm chước lắm thì cũng chỉ gọi được là “vàng xỉn”, dáng vẻ và phần nào hình dạng của nó dễ gợi liên tưởng đến một chiếc khăn trải bàn dùng cho bữa trà chiều vào cái thời xa xăm khi phòng khách thường chỉ được dành cho những dịp “trọng đại”. Bà thắt quanh eo một chiếc nơ con bướm to tướng giống hệt kiểu nơ người ta vẫn thường đính trên các hộp sô cô la hạ giá tại cửa hàng giảm giá trong khu phố nghèo. Tìm mua: Susan Boyle - Thiên Thần Xấu Xí TiKi Lazada Shopee Với vóc dáng thấp, đậm, quá cân, người phụ nữ ấy đã tạo nên một hình ảnh mà ít lâu sau bị so sánh với “miếng thịt lợn trên chiếc khăn lót cốc”. Bà có khuôn mặt vuông, mái tóc màu nâu đục bù xù như chưa chải, lốm đốm xám bạc như bị rắc quá nhiều muối tiêu.Bà đi tất màu tối, giày màu sáng. Trên cánh tay phải, bà đeo một chiếc đồng hồ rẻ tiền, mặt đồng hồ thô kệch xoay xuống dưới cổ tay, còn bàn tay phải bà nắm chặt chiếc micro cỡ đại trong cung cách gần như sẵn sàng trực chiến, như thể chiếc micro ấy là một thứ vũ khí mà bà sẽ không ngần ngại sử dụng để tự vệ.Cuốn Từ điển Oxford rút gọn định nghĩa “frump” là một danh từ chỉ “người phụ nữ ăn mặc luộm thuộm, lỗi mốt”. Khi bà dừng bước ở trung tâm sân khấu, cái hình dáng tầm thường ấy dường như trở thành định nghĩa sống của chính từ đó: một con người không chỉ toát lên vẻ già trước tuổi mà còn tạo ấn tượng là đã già sẵn ngay từ khi sinh ra. Chỉ cần nhìn bà người ta cũng có thể thấy được hình ảnh một người lao động chân tay sầu muộn đầy tham vọng đang trên đà lão hóa, với những ý tưởng và hoài bão quá xa vời so với môi trường của mình đến độ nếu không đậm chất ảo tưởng tới mức đáng buồn thì hẳn chúng đã khiến người ta thấy thật khôi hài. Rõ ràng bà là một người thường xuyên thất bại trong cuộc sống, và chỉ có sự pha trộn của lòng thương hại và ái ngại mới ngăn được 3.000 khán giả cuồng nhiệt tại Trung tâm Triển lãm và Hội nghị Scotland khỏi phá lên cười rầm rĩ. Một bầu không khí thiếu thoải mái bao trùm - cảm giác hân hoan khi ý thức được một thảm họa sắp xảy ra trộn lẫn với sự phấn khích tọc mạch khi dự cảm được nỗi xấu hổ của một con người khác. Không ít người trong hội trường bồn chồn chuyển mình trên ghế, liếc mắt về phía bạn bè với vẻ hiểu biết; phương án giải quyết của họ chỉ là hoặc cười thật to, hoặc im lặng, hoặc quan sát không chớp mắt, hoặc chỉ hé mắt qua kẽ ngón tay hầu giảm thiểu tác động. Nó cũng không khác gì khi ta đứng trên lối đi dạo ven bờ trong một ngày bão giông, nhìn ra biển khơi nơi sóng nước sắp nuốt chửng những tay bơi tuyệt vọng. Quá khủng khiếp khó lòng chứng kiến, nhưng quá thu hút chẳng dễ quay mặt đi.Người phụ nữ đeo quanh cổ một sợi dây chuyền mảnh, ngay trên miếng bìa đề rõ các con số 43212. Bên cạnh chúng, trên tấm thẻ tên là dòng chữ “Britain’s Got Talent”.Ở giữa người phụ nữ và đám khán giả đang háo hức là một chiếc bàn rộng không khác gì bàn của nhân vật phản diện trong phim James Bond, phía sau bàn là ba vị giám khảo: hai đàn ông, một phụ nữ, một bộ tam đầu chế của Caesar[1] thời hiện đại, những người sẽ bật đèn tín hiệu quyết định các đấu sĩ trước mặt họ sẽ được sống hay phải chết.Người đàn ông có mái tóc ngắn sẫm màu ngồi ở phía cuối đoàn giám khảo gãi gãi chóp mũi, lơ đãng nghịch nghịch cây bút và hướng ánh mắt vào tờ thông tin đặt trước mặt. Ông hỏi với vẻ thông thạo công việc, “Vậy, tên bà là gì?” Câu hỏi được thốt ra không phải bằng giọng buồn chán mà với vẻ chỉ muốn chuyện này kết thúc - và kết thúc cho nhanh. Xét cho cùng, kéo dài cơn hấp hối cũng chẳng có nghĩa lý gì.“Tôi tên là Susan Boyle,” câu trả lời cất lên, chất giọng Scotland không lẫn vào đâu được, cao và rõ ràng. Kẻ thẩm vấn ăn mặc xuề xòa, đang hờ hững tựa vào lưng ghế ấy là Simon Cowell. Đó cũng chính là người đàn ông quyền lực nhất giới showbiz Anh, một tỉ phú với đế chế không ngừng mở rộng. Ông là hình ảnh của kẻ không có thói quen đối xử tử tế với kẻ ngốc, có thể thô lỗ đến cay độc với những màn trình diễn ông không đánh giá cao. Không lời sáo rỗng, không uyển ngữ - không khoan nhượng.Ngồi ngay cạnh ông là nữ diễn viên Amanda Holden. Vốn là một nhân vật nổi tiếng trên màn ảnh nhỏ nước Anh, vai trò đồng giám khảo của chương trình truyền hình tìm kiếm tài năng - cộng thêm phản ứng thường tràn đầy cảm xúc của cô trước các màn trình diễn cũng như chuyện đời của các thí sinh mà cô được nghe - đã nâng cô lên một tầm cao danh tiếng khác.Và mảnh ghép cuối cùng để hoàn thiện bộ ba ấy là Piers Morgan, cựu biên tập viên Fleet Street[2], từng có một sự nghiệp báo chí nổi như cồn ghi dấu ấn bằng các bài viết gây tranh cãi và sau đó xuất sắc lột xác thành một ngôi sao truyền hình.Tất cả đều có vai trò trong sự kiện sắp diễn ra, nhưng vào cái ngày tháng Giêng năm 2009 đó, không ai trong số họ có thể dự đoán được rồi sẽ có chuyện gì xảy ra. Cowell vẫn tiếp tục đưa ra các câu hỏi theo một cung cách dường như tỏ rõ rằng ông sẽ vận hết khả năng lịch sự và chuyên nghiệp cần thiết để giải quyết nhanh gọn việc này.“Được rồi, Susan, bà quê ở đâu?” ông hỏi. “Tôi quê ở Blackburn, gần Bathgate, Tây Lothian,” bà trả lời. Cho đến lúc này thì mọi việc đều ổn. Nhưng rắc rối đang trực chờ phía trước.“Đó có phải một thành phố lớn không?” Cowell tiếp tục. Không hẳn là Susan Boyle bị câu hỏi gây khó dễ, nhưng bà vẫn không trả lời ngay, có lẽ bà có cái cảm giác lo lắng mà ta hoàn toàn có thể hiểu được khi nhất cử nhất động của mình đang bị hàng nghìn khán giả trong hội trường và không biết bao nhiêu ống kính truyền hình đang dõi theo.“Đó là một tập hợp… đó là một tập hợp… ờ…” bà cất lời, rồi dừng lại như không biết nên nói thế nào, vật lộn suy nghĩ tìm cách diễn đạt câu trả lời thật rõ, “… một tập hợp các ngôi làng.” Rồi bà thêm vào một cách không cần thiết, “Về điểm đó tôi còn phải suy nghĩ.”Có lẽ bà đã mệt rồi. Xét cho cùng, bà đã phải bắt sáu tuyến xe buýt từ nhà mới tới được hội trường.“Và bà bao nhiêu tuổi, Susan?” Cowell hỏi.Câu trả lời vang lên, “Tôi 47.” Cowell, khi đó 49 tuổi, đảo tròn mắt. Có thể nghe thấy từ phía sau ông rộ lên cả tiếng cười lẫn tiếng lầm bầm chê bai của khán giả. Một tiếng huýt sáo độc địa vang lên đâu đó giữa đám đông. Các khán giả đang theo dõi trực tiếp tại nhà hát, và cả hàng triệu người ngồi tại nhà xem buổi thi tài của Susan Boyle sau đó, chắc hẳn đều e rằng mình đang xem một chương trình về các vụ tai nạn giao thông.Độc giả có thể tìm mua ấn phẩm tại các nhà sách hoặc tham khảo bản ebook Susan Boyle - Thiên Thần Xấu Xí PDF của tác giả John Mcshane nếu chưa có điều kiện.Tất cả sách điện tử, ebook trên website đều có bản quyền thuộc về tác giả. Chúng tôi khuyến khích các bạn nếu có điều kiện, khả năng xin hãy mua sách giấy.
Hồi Ký Người Vợ Á (Ngoạ Lan)
Tám năm trước, tôi đã đọc một lèo “đứa con đầu lòng” Ngày hôm qua của Ngoạ Lan và cho ngay lời bình vào ngày hôm sau. Khác với lần trước, lần này nhận được bản thảo đứa con tinh thần thứ hai của em, tôi lại cho phép mình đọc một cách chậm rãi và có những đoạn đọc đi đọc lại để ngấm hơn những giá trị của nó. Tôi đã trải qua những cảm xúc ấy của em nên đồng cảm sâu sắc, nhất là những năm tháng ở nước ngoài xa quê hương. Nếu Ngày hôm qua của Ngoạ Lan ví như một cô gái tuổi mới lớn đang vào kỳ yêu đương lãng mạn thì Hồi ký người vợ Á là tâm sự của một người đàn bà trưởng thành, trải nghiệm trong tình yêu với nhiều cung bậc cảm xúc đan xen, giằng xé nội tâm, phấn đấu cho hạnh phúc và thành công. Lối viết của Ngoạ Lan phóng khoáng, tự trào đầy cảm xúc, xen một chút ma mị càng lôi cuốn. Đam mê viết lách của tác giả Ngoạ Lan còn tràn đầy, tôi cảm nhận được tâm huyết cháy bỏng từ em. Những câu chuyện trong Hồi ký người vợ Á cũng mang nhiều bài học về giá trị nhân văn mà em muốn gửi gắm đến độc giả. Và tôi cũng đón chờ được đọc những bản thảo tiếp theo của Ngoạ Lan. Hồi ký người vợ Á mới mở ra chuỗi hành trình của tác giả, còn rất nhiều câu chuyện thú vị và đầy giá trị nhân văn ở phía trước…” chia sẽ của Connecting Lady Nguyễn Thu Anh dành cho cuốn sách. Tìm mua: Hồi Ký Người Vợ Á TiKi Lazada Shopee “Hồi ký người vợ Á là một cuốn sách chạm đến trái tim người đọc. Cuốn sách truyền cảm hứng cho những ai đã và đang trải qua những giai đoạn đầy thử thách, sóng gió trong cuộc sống, trong tình yêu, giúp họ có nghị lực để cân bằng và sống đẹp, sống đúng với những giá trị mình theo đuổi. Lối kể chuyện thu hút, sáng tạo, xâu chuỗi sự kiện liền mạch, hấp dẫn độc giả từ trang đầu đến những trang cuối cùng của tác phẩm. Nếu đã đọc Ngày hôm qua của Ngoạ Lan thì Hồi ký người vợ Á cho thấy sự trưởng thành, từng trải của tác giả, tác phẩm “lớn” hơn rất nhiều so với Ngày hôm qua.” “Đọc Hồi ký người vợ Á có lúc mình bật cười vì cách viết dí dỏm rất đời của tác giả nhưng cũng có lúc u ám, giằng xé tâm can khi chứng kiến người phụ nữ phải lựa chọn giữa con tim và lí trí, để biết cuộc sống này đâu chỉ có một màu hồng. Một cuốn sách đáng đọc!”Độc giả có thể tìm mua ấn phẩm tại các nhà sách hoặc tham khảo bản ebook Hồi Ký Người Vợ Á PDF của tác giả Ngoạ Lan nếu chưa có điều kiện.Tất cả sách điện tử, ebook trên website đều có bản quyền thuộc về tác giả. Chúng tôi khuyến khích các bạn nếu có điều kiện, khả năng xin hãy mua sách giấy.