Liên hệ: 0912 699 269  Đăng nhập  Đăng ký

Côn Lôn Sử Lược (Trần Văn Quế)

LỜI NÓI ĐẦU

Trong bất cứ quyển Việt-Sử nào khi nói đến Hòa-ước Versailles được ký kết năm 1787 giữa Pháp Hoàng Louis thập lục và chúa Nguyễn-Ánh do Đức Cha Bá-Đa-Lộc đại-diện, có khoản nói vua Annam nhường cho Pháp nhiều nơi trong đó có Quần-đảo Côn-Lôn hay là Côn-Lôn. Nhưng trong Hòa-ước 5-6-1862 lại không thấy nói đến quần-đảo ấy nữa.

Tại sao đảo Côn-Lôn hay là Côn-Lôn tượng-trưng cho toàn thể quần đảo tuy là không lớn hơn đảo Phú-Quốc, lại được Pháp-Quốc đặc biệt chú ý?

Tại sao trong Hòa ước 5-6-1862 Triều-đình Huế nhượng cho Pháp ba tỉnh Biên-Hòa, Gia-Định, Định-Tường của Nam-Kỳ Lục-tỉnh mà không thấy nói đến Quần-đảo Côn-Lôn?

Đó là những câu mà bất cứ một độc giả nào của quyển Việt-Sử đều tự hỏi. Tìm mua: Côn Lôn Sử Lược TiKi Lazada Shopee

Các thắc mắc ấy sẽ lần lượt được giãi bầy trong quyển sách « Côn-Lôn Sử-Lược » này để giúp độc giả biết thêm những chi tiết của một giai đoạn lịch-sử nước nhà và đồng thời nhận thức rõ rệt tính cách quan trọng của Quần đảo Côn-Lôn về ba mặt: Chính-Trị, Quân-Sự và Kinh-Tế.TÁC-GIẢ

***

Nói tóm lại giữa lúc người Việt-Nam không mấy để ý đến quần đảo Côn-Lôn, thì trái lại, trên hai trăm năm, hai đại cường quốc Âu-Châu là Anh và Pháp đã để ý một cách đặc biệt đến quần đảo này.

Anh quốc để ý đến quần đảo Côn-Lôn là vì cần phải bảo vệ sự phồn thịnh của Tân-Gia-Ba thuộc Anh bằng cách chiếm quần đảo này, để nó khỏi rơi vào tay một cường quốc khác như Pháp, chẳng hạn, và có thể trở nên một hải cảng cạnh tranh với Tân-Gia-Ba được.

Lại nữa, con đường Tân-Gia-Ba đi Hương-Cảng cần được bảo vệ bằng cách chiếm quần đảo Côn-Lôn và cản ngăn không cho một cường quốc nào làm trở ngại sự đi lại trên con đường ấy.

Các lý do vừa kể trên đều ở trong phạm vi một chính sách bành trướng và bảo vệ đế quốc Anh trên khắp các mặt biển, giữa lúc mà trên các lục địa Âu-Châu, các cường quốc tranh giành nhau từng tấc đất. Sự chiếm các đảo Malte, Chypre ở Địa-Trung-Hải, đảo Cey-Lan (Tích-Lan) và nhiều đảo nhỏ ở Ấn-Độ-Dương và sau cùng Hương Cảng ở biển Trung Hoa đủ chứng minh cách liên tục và trường kỳ của chính sách ấy. Trong thời gian hằng mấy trăm năm, các Chính-Phủ kế tiếp nhau giữ chính quyền ở Anh đều đồng ý tiếp tục thi hành chương trình này. Vì lẽ đó mà trong hai thế kỷ vừa qua, thập bát và thập cửu thế kỷ và đầu thế kỷ thứ hai mươi, Anh Quốc đứng đầu trong số các đế quốc trên hoàn cầu. Khắp năm châu, không nơi nào mà không có thuộc địa, căn cứ, hải-cảng và thương điếm của Anh.

Về phần nước Pháp, nếu nước này đặc biệt để ý đến quần đảo Côn-Lôn là không ngoài ý định tìm những đất đai mới để bù lại sự mất về tay Anh quốc một vùng rất lớn ở Ấn-Độ, dưới chiêu bài là vùng ảnh hưởng của Đông-Ấn Công Ty Pháp. Việc xâm chiếm toàn cõi bán đảo Ấn-độ - China đã được để ý từ lâu và việc chiếm quần đảo Côn-Lôn thuộc về giai đoạn đầu của chương trình ấy.

Quần đảo Côn-Lôn một khi đã thuộc Pháp, sẽ là một đầu cầu cần thiết cho sự tấn công bán đảo nói trên sau này. Quan niệm ấy đã được thực hiện ngay khi đức cha Bá Đa Lộc đã dùng quần đảo Côn-Lôn làm nơi tập trung các lực lượng hải và lục quân để giúp chúa Nguyễn Ánh trên lục địa. Lại nữa, muốn làm chủ vĩnh viễn Nam Kỳ lục tỉnh và gián tiếp chi phối nền độc-lập của hai nước Lục Chân Lạp (Cambodge) và Ai Lao (Laos) thì Pháp trước phải chiếm quần đảo Côn-Lôn, pháo đài tiền tuyến của các xứ ấy.

Vì vậy trước khi cử binh vào chiếm ba tỉnh phía đông của Nam Kỳ, Pháp đã chiếm trước quần đảo Côn-Lôn để thực hành ý định của Hoàng-đế Nã Phá Luân Đệ Tam (Napoléon III). Sự thực, đó là ý định của các triều vua trước kể từ Louis Thập lục trở về sau.

Sau khi Pháp đã chiếm quần đảo Côn-Lôn, Chánh Phủ Anh toan phản đối cho rằng việc ấy không đúng với công pháp quốc-tế là vì Hòa Ước Versailles 1787 đã không được đem ra thi hành ngay lúc đầu và như thế nó đã bị coi là lỗi thời rồi.

Nhưng sau khi Pháp chiếm ba tỉnh phía đông Nam Kỳ và ký với Triều Đình Huế Hòa Ước 5-6-1862 thì Anh không còn nghĩ đến chuyện phản kháng Pháp nữa. Dù sao Anh cũng đã để cho Pháp tự rửa mặt lấy với Năm Châu thế giới sau khi đã thất bại nặng nề trong trận giặc 7 năm vừa qua.

Giữa Ấn-Độ, Miến Điện và Mã Lai thuộc Anh và bán đảo Ấn-Độ Chi-na, nước Xiêm đã được Anh-Pháp để yên để đóng vai nước hoãn xung (nước trái độn: Etat tampon).

Sự quan trọng của quần đảo Côn-Lôn một lần nữa đã được làm nổi bật lên là khi quân đội Nhật biến đảo Côn-Lôn thành một quân cảng vừa cho Hải quân vừa cho Không quân Nhật trong những cuộc tấn công các nước miền Đông-Nam-Á.

Trong giai đoạn lịch sử khởi đầu từ cuộc đảo chính Nhật tại đảo ngày 9-3-1945 đến năm 1947 là ngày mà chính quyền Pháp được tái lập trên quần đảo, có lắm chuyện làm cho độc giả cười ra nước mắt. Không ai ngờ rằng ở một vùng rộng không quá 100 cây số vuông, đông không quá 2000 dân mà đã có liên tiếp ba cuộc đảo chánh và một cuộc xưng vương!

Trong giai đoạn lịch sử này quần đảo Côn-Lôn quả đã có tính cách hoàn toàn tiểu thuyết! Mà thật thế. Những kép đóng vai trên sân khấu Côn-đảo thời ấy quả đã sống một đời sống mơ mộng và phiêu lưu từ lâu. Thất bại chua cay trên lục địa, họ bị đưa ra đây và cơ hội đã giúp họ thực hiện cái mộng đẹp của họ trong một thời gian mặc dầu là ngắn ngủi!

Rốt cuộc: những sự kiện lịch sử diễn ra trên quần đảo Côn-Lôn, tốt đẹp nên thơ cũng có mà bi đát đau thương cũng có, đã nhắc cho mọi người dân Việt nhớ rằng: quần đảo này rất quan trọng cho nước nhà về ba mặt: chính trị, quân sự và kinh tế, nhất là về phương diện đối ngoại.

Lại nữa, nó là một trong các địa điểm của non sông đất nước, được tẩm bằng máu, tô điểm bằng xương của ức vạn chiến sĩ ưu tú Việt!

Viết xong tại Saigon, ngày 3-5-1961

Độc giả có thể tìm mua ấn phẩm tại các nhà sách hoặc tham khảo bản ebook Côn Lôn Sử Lược PDF của tác giả Trần Văn Quế nếu chưa có điều kiện.

Tất cả sách điện tử, ebook trên website đều có bản quyền thuộc về tác giả. Chúng tôi khuyến khích các bạn nếu có điều kiện, khả năng xin hãy mua sách giấy.

Nguồn: thuviensach.vn

Đọc Sách

Hai Trăm Năm Cũ (Anthony Grey)
Độc giả có thể tìm mua ấn phẩm tại các nhà sách hoặc tham khảo bản ebook Hai Trăm Năm Cũ PDF của tác giả Anthony Grey nếu chưa có điều kiện.Tất cả sách điện tử, ebook trên website đều có bản quyền thuộc về tác giả. Chúng tôi khuyến khích các bạn nếu có điều kiện, khả năng xin hãy mua sách giấy.
Hải Ngoại Kỷ Sự (Thích Đại Sán)
Năm 1695, theo lời mời của chúa Nguyễn Phúc Châu, Thích Đại Sán từ Quảng Đông - Trung Hoa đã đến vùng Thuận Quảng và lưu lại ở đây từ mùa xuân năm Ất Hợi - 1695 đến mùa hạ năm Bính Tý - 1696. Trong khoảng thời gian đó, ngoài việc sáng tác nhiều tác phẩm thơ ca,… Thiền sư Thích Đại Sán còn ghi chép các sự việc liên quan đến văn hóa, xã hội thời bấy giờ ở vùng Thuận Quảng và tất cả được tập hợp thành tác phẩm Hải ngoại kỷ sự với bài tựa giới thiệu do Đại Việt quốc vương Nguyễn Phúc Châu đề. Sách này do Đại Sán Hán Ông đời nhà Thanh soạn, tất cả 6 quyển. Khang Hy năm Giáp Tuất, đáp ứng lời mời của Việt vương, ông đi qua Quảng Nam; những nơi trải qua, sơn xuyên, hình thế, phong thổ, tập tục ông đều ghi chép tất cả, xen lẫn những thơ văn rất tao nhã hứng thú. Ông chính là một ẩn giả lánh mình trong cửa thiền vậy. Cừu Triệu Ngao bảo sách này gồm có cái hay của Đỗ Thiếu Lăng, Liễu Tứ Hậu, có thể bổ khuyết những điều mà các sách Sơn hải kinh, Hải chí, Chức phương ký, Vương hội đồ chưa từng chép đến…”.(Bút ký tiểu thuyết đại quan)Trân trọng giới thiệu!Độc giả có thể tìm mua ấn phẩm tại các nhà sách hoặc tham khảo bản ebook Hải Ngoại Kỷ Sự PDF của tác giả Thích Đại Sán nếu chưa có điều kiện.Tất cả sách điện tử, ebook trên website đều có bản quyền thuộc về tác giả. Chúng tôi khuyến khích các bạn nếu có điều kiện, khả năng xin hãy mua sách giấy.
Gươm Thiêng Trấn Quốc (Uyên Thao)
Sử chép: "Đầu thế kỷ 10, Giao Châu đại loạn. Dân chúng nổi dậy khắp nơi, đánh đuổi đám quan lại phương Bắc, cử Khúc Thừa Dụ lên làm Tiết Độ Sứ. "Khúc Thừa Dụ quê tại Hồng Châu - Hải Dương, là một hào phú nhân hậu được người khắp nước kính phục nhưng cầm quyền chưa tròn một năm đã từ trần. "Khúc Hạo nối chí cha, lo gấp rút xây dựng guồng máy tự chủ, việc còn dở dang lại lâm trọng bệnh qua đời, chuyển gánh nặng cho con là Khúc Thừa Mỹ. Thừa Mỹ nắm quyền sáu năm thì nhà Nam Hán cử Lý Khắc Chính đem quân sang đánh. Khắc Chính thắng trận, bắt được Khúc Thừa Mỹ, tái lập chế độ đô hộ, nhưng bộ hạ họ Khúc khắp 12 châu tiếp tục kháng cự, trong số có Dương Diên Nghệ-" ° ° ° Tìm mua: Gươm Thiêng Trấn Quốc TiKi Lazada Shopee Tiết Độ Sứ Lý Tiến tại An Nam Đô Hộ Phủ vừa áp chế bằng binh lực vừa dùng các cao thủ võ lâm phiêu bạt truy sát con cháu họ Khúc cùng những người chống đối. Trong khi đó, tại hai châu Hoan - Ái, Dương Diên Nghệ ráo riết tập trung binh lực quyết tái chiếm Đại La và giới võ lâm Giao Châu sôi sục chận đánh đám tay chân Lý Tiến. Chết chóc diễn ra khắp nơi, nhất là trên các trục lộ nối liền thành Đại La với hai châu Hoan - Ái. Người qua lại nơi này thường bị bất ngờ cuốn vào giữa vòng gươm dáo và trở thành nạn nhân của các cuộc chém giết đẫm máu. Chính vào thời điểm đó đã diễn ra câu chuyện về thanh gươm mang tên Lạc Hồng Thần Kiếm. ° ° ° Thanh gươm được nhắc tới từ rất lâu trước đó, thuở An Dương Vương khởi công xây dựng Cổ Loa thành. Tương truyền: "Các loài ma quái sợ hết đất dung thân khi thành xây xong nên họp nhau cản phá công việc của nhà vua. Từng đoạn thành dựng lên lúc ban ngày đều bị ma quái xô đổ vào đêm khuya khiến công việc kéo dài mãi trong cảnh dở dang. Cuối cùng, An Dương Vương phải cầu xin thần linh giúp sức. "Thần Kim Qui liền hiện ra đánh bạt hết ma quái, giúp hoàn tất việc xây thành. Trước khi chia tay, Thần tặng nhà vua một chiếc móng, dặn dùng làm nẫy nỏ và chỉ dẫn cách làm nỏ liên châu mỗi lần có thể bắn ra hàng vạn mũi tên". Nhưng việc giữ nước không thể dựa vào một cây nỏ liên châu nên nhà vua vẫn lo lắng xin được Thần giúp đỡ. Thần bèn trao cho nhà vua một thanh gươm và nói: - Lưỡi gươm này có sức mạnh gào mưa thét gió, trừ sạch mọi hiểm họa trên đời. Lạc Long Quân nhờ nó mà mở mang bờ cõi cho giống nòi Lạc Việt, tạo dựng cơ đồ bền vững mấy ngàn năm của giòng họ Hồng Bàng. Nó có tên là Lạc Hồng Thần Kiếm và là vật báu trấn quốc của đất nước này. Thần nói thêm về đặc tính của thanh gươm: - Sức mạnh của gươm không nằm nơi nước thép mà nằm trong các bí quyết được khắc trên hai mặt gươm, một bên là Toàn Phương Kiếm Phổ, một bên là An Định Chân Kinh. Nhà vua không thể dùng gươm để xung trận nhưng có thể vận dụng những bí quyết trên để tạo một sức mạnh thần kỳ cho toàn cõi Lạc Việt này. Hãy y theo Toàn Phương Kiếm Phổ dạy nghề múa gươm cho ba quân và y theo An Định Chân Kinh để tu dưỡng bản thân, thực hành chính pháp. Làm như thế cho tới khi hòa được hồn mình theo hồn gươm thì người và gươm sẽ hội nhập thành nhất thể tỏa ra một uy lực khả dĩ dời non lấp biển, tạo nên vĩ nghiệp lấn át cả trăng sao. Khi đó, mối lo hiện nay của nhà vua không còn đáng kể nữa. An Dương Vương cúi đầu suy nghĩ hồi lâu rồi lên tiếng: - Muốn hòa theo hồn của gươm, cần phải làm gì? Thần đáp: - Cần phải nhận rõ hồn gươm và lấy hồn gươm làm hồn mình. - Hồn gươm là gì? - Gươm được hun đúc bằng khí thiêng sông núi trên toàn bờ cõi. Hồn gươm chính là hồn thiêng sông núi của đất nước này. - Làm cách nào để biến hồn thiêng sông núi thành hồn của mình? - Cách độc nhất là biến chính bản thân mình thành sông núi. Nhà vua băn khoăn đưa mắt nhìn về phía chân trời trong lúc Thần ngưng tiếng. Một cụm mây trắng lơ lửng treo giữa không trung in bóng xuống dòng Hoàng Giang uốn khúc quanh Cổ Loa thành. Một khắc im lặng trôi qua rồi nhà vua lên tiếng: - E rằng không dễ hiểu hết ngụ ý trong lời nói của Thần. Thần mỉm cười, cao giọng: - Không phải vì sông núi mà có sự sống. Trái lại, chính vì sự sống mà có sông núi. Sông núi là thành trì và sữa ngọt đối với sự sống. Đã trải mấy ngàn đời, sông núi phơi mình ngoài mưa nắng, miệt mài đổ sức nuôi giữ sự sống trong im lặng. Sông núi không bao giờ đòi được che chở, không bao giờ đòi được cung đốn mà luôn luôn sẵn sàng dâng hiến. Thần nhìn thẳng vào mắt nhà vua, chậm rãi: - Kẻ chỉ mưu tận hưởng tới cạn nguồn sữa ngọt và mải mê vun quén cho bản thân không bao giờ biến nổi thành sông núi. Giọng Thần sang sảng khiến nhà vua bất giác rùng mình, ngập ngừng hỏi: - Loại người nào có thể làm nổi điều Thần vừa nói? Thần đáp: - Đó là người đang ngồi trên ngai báu như nhà vua. Đó cũng là kẻ ở giữa đám đông đang trần lưng vác đất dưới chân thành kia. Nhà vua thắc mắc: - Kẻ vác đất dưới chân thành không có thần kiếm trong tay thì dù hòa nổi hồn mình theo hồn sông núi phỏng có ích gì? Thần nói: - Đây là điều mà ta muốn nhắc với nhà vua. Thần kiếm không khi nào chịu biến thành vật vô tri trong những bàn tay bất xứng. Thần kiếm sẽ tự rời khỏi tay kẻ không hòa nổi hồn mình vào hồn thiêng sông núi. Vẫn nhìn thẳng vào mắt nhà vua, Thần nhấn mạnh từng lời: - Ta vừa đặt thần kiếm vào tay nhà vua, nhưng ta không đủ uy lực buộc thần kiếm nằm mãi bên mình nhà vua. Điều này hoàn toàn tùy thuộc nhà vua quyết định. Dứt lời, Thần nghiêng mình chào và biến mất. ° ° ° An Dương Vương sao chép lại Toàn Phương Kiếm Phổ, dạy thuật dùng gươm cho ba quân tướng sĩ. Không bao lâu, khắp nước xuất hiện những kiếm thủ tài ba tuyệt thế. Nhà vua đứng trên thành cao nhìn về bốn phương bừng bừng hào khí. Dưới tay nhà vua là tinh binh mãnh tướng. Bên mình nhà vua là nỏ báu, kiếm thần. Xung quanh nhà vua, Cổ Loa thành sừng sững vách lũy dầy kiên cố sau hào sâu hiểm trở. Nhà vua hướng về phương Bắc nhếch miệng cười ngạo nghễ, phất tay ra dấu. Viên cận thần lập tức xoay về phiá bên hô lớn: - Tấu nhạc! Một loạt âm thanh rung lên. Tiếng tơ đồng quyện theo tiếng sáo chơi vơi dìu dặt rồi những giọng ca trong như tiếng ngọc vươn cao, vươn cao mãi. Nhà vua tựa mình vào thành kỷ, lim dim mắt dõi theo những tà áo màu thướt tha bay múa tựa hàng ngàn cánh bướm chập chờn nô giỡn. Viên cận thần quỳ xuống kính cẩn dâng chiếc ly ngọc chạm hình rồng phủ. Nhà vua đón ly, ngửa đầu uống cạn một hơi. Men rượu khiến nhà vua bừng nóng toàn thân trong một cảm khoái lâng lâng. Những cánh bướm đang chập chờn nô giỡn bỗng đồng loạt chuyển hình thành những tiên nga tuyệt sắc. Những khuôn mặt diễm lệ mê hồn, những tấm thân uốn mềm như tơ liễu dìu nhà vua cất cánh bay lên. Trong khoảnh khắc, nhà vua thấy mình chen giữa bày tiên nữ lơ lửng trên vùng trời ngập ánh hào quang của những vừng mây ngũ sắc. Tiếng nhạc bên tai nhà vua càng lúc càng thêm dặt dìu thánh thót. Nhà vua hết sức đẹp lòng, cất tiếng cười sảng khoái. ° ° ° Tiếng cười của nhà vua vang rền như sấm, chấn động khắp bốn phương. Thần Kim Qui đang ngủ say dưới đáy đại dương bỗng giật mình choàng tỉnh. Thần đánh tay xủ quẻ rồi kinh hãi, lật đật bơi về phía bờ biển Đông. Đúng lúc Thần Kim Qui choàng tỉnh giữa lòng biển cả thì tại Cổ Loa thành, An Dương Vương sa vào quỉ kế của Triệu Đà. Nhà vua chưa dứt cơn say, mãnh tướng chưa kịp mặc giáp, tinh binh chưa kịp cầm gươm thì kẻ thù phương Bắc tràn ngập các vách thành. Quân thù dồn lên như thác lũ trong lúc tả hữu hốt hoảng quỳ trước nhà vua nói không thành tiếng: - Muôn tâu, nỏ báu đã mất còn gươm thần không thấy đâu. Nhà vua đau đớn nhìn ra phía ngoài. Tiếng reo hò chiến thắng của kẻ thù dội tới thâm cung. Khắp nơi trong thành nội, những cột lửa đỏ bốc lên ngùn ngụt nhả khói vào vùng trời còn xanh thẳm buổi chiều qua. Nhà vua đờ đẫn nhìn khói đen dầy đặc đang tỏa rộng che rợp Cổ Loa thành, bên tai văng vẳng giọng năn nỉ tuyệt vọng của tả hữu: - Xin nhà vua cùng công chúa rời ngay hoàng cung chạy về biển Đông lánh nạn. Tương truyền: "Tại bờ biển Đông, Thần Kim Qui đang chờ sẵn. Thần lặng lẽ ngậm ngùi rẽ sóng mở lối cho nhà vua bước sâu vào lòng biển cả". Từ đó, cuộc truy tầm tung tích Lạc Hồng Thần Kiếm bắt đầu và kéo dài căng thẳng từng ngày.Độc giả có thể tìm mua ấn phẩm tại các nhà sách hoặc tham khảo bản ebook Gươm Thiêng Trấn Quốc PDF của tác giả Uyên Thao nếu chưa có điều kiện.Tất cả sách điện tử, ebook trên website đều có bản quyền thuộc về tác giả. Chúng tôi khuyến khích các bạn nếu có điều kiện, khả năng xin hãy mua sách giấy.
Giữa Trong Xanh (Nguyễn Thành Long)
Nguyễn Thành Long sinh tại huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, nguyên quán ở Quy Nhơn, Bình Định, con một gia đình viên chức nhỏ. Năm 18 tuổi ông chuyển ra học ở Hà Nội và có viết cho báo Thanh Nghị (1943). Sau Cách mạng Tháng Tám, Nguyễn Thành Long tham gia hoạt động văn nghệ trong những năm kháng chiến chống Pháp (1946-1954) ở Nam Trung Bộ và bắt đầu viết văn vào thời gian này. Nguyễn Thành Long là cây bút chuyên viết về truyện ngắn và ký. Nét đặc sắc trong truyện ngắn của ông là luôn tạo được hình tượng đẹp, ngôn ngữ giàu chất thơ, trong trẻo, nhẹ nhàng. Nguyễn Thành Long đã cho xuất bản nhiều truyện ngắn, trong đó nổi bật là các tập: Bác cơm Cụ Hồ (1952), Gió bấc gió nồm (1956), Hướng điền (1957), Chuyện nhà chuyện xưởng (1962), Trong gió bão (1963), Gang ra (1964), Những tiếng vỗ cánh (1967), Giữa trong xanh (1972), Nửa đêm về sáng (1978), Lý Sơn mùa tỏi (1980), Sáng mai nao, xế chiều nào (1984),... Truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa viết năm 1970, sau chuyến đi thực tế Lào Cai của nhà văn, được in trong tập Giữa trong xanh (1972). Đây là truyện ngắn tiêu biểu cho phong cách Nguyễn Thành Long. Qua câu chuyện về những nhân vật không tên, tác giả muốn giới thiệu với người đọc về một vùng đất lặng lẽ mà thơ mộng, ở đó có những con người được lao động thầm lặng, say mê hiến dâng tuổi trẻ và tình yêu của mình cho quê hương, đất nước. Ngoài sáng tác, ông còn là dịch giả hai tác phẩm của Antoine de Saint-Exupéry: Em bé con nhà trời và Quê xứ con người (nguyên tác: Terre des hommes).*** Tìm mua: Giữa Trong Xanh TiKi Lazada Shopee LÂU lắm họ mới lại gặp nhau. Và cùng đi công tác. Chuyến trước ở một vùng trung du. Phùng và Hân quen nhau, có dịp trao qua đổi lại một số ý kiến về những công việc hiện nay, hai người đánh giá thầm nhau kha khá, nhất là ở sự thành thật. Điểm thành thật ấy, mọi người xung quanh không biết, họ chỉ biết hai người có cái gì hợp nhau đấy, và bắt đầu nửa đùa nửa thật cặp ghé đôi bên, như thói thường vẫn thế, khi hai người nữ và nam đều còn đang tự do, cho dù Hân chỉ mới quá hai mươi và Phùng thì đã bốn mươi rồi. Chắc chắn là Phùng và Hân đều có nghe nhưng bỏ qua, cũng chẳng bỏ qua đâu, thật ra cũng có dừng lại ngẫm nghĩ một chút, nhưng việc ấy không ảnh hưởng gì đến cái tình bạn xa xa — xa đến nỗi tưởng không gọi được là tình bạn, nhưng lại có cái vốn quí trọng mà tình bạn hời hợt thường không có.Trong đám đông nhà báo ăn nói rất bạo dạn, Hân nhìn thấy Phùng thì mừng quá. Cô bước tới, xiết tay anh và thấp giọng hỏi dịu dàng:— Anh cũng đi Điện Biên lần đầu ạ?— Lần thứ ba đấy cô ạ — Anh trả lời tươi cười và bất giác nói luôn — lần trước năm nhăm, nhân dịp lập khu tự trị Tây Bắc.— Anh là chiến sĩ Điện Biên ư?Không hiểu sao cô gái lại kêu lên thế. Phùng “vâng” một cách sẽ sàng, và đỏ mặt. Chừng như tiếng “vâng” ấy vẫn còn ồn áo quá, anh xóa bớt đi bằng một câu giảng giải xuề xòa:— Tôi cũng là nhà báo như bây giờ thôi mà.Nói xong, lại như thấy mình nhỡ miệng mà hở hang thêm. Anh nín thinh.Đi thăm chiến trường cũ hôm nay, đoàn nhà báo có ý đi bằng cả một đội xe tải chở hàng lên Tây Bắc. Đây là một đôi xe tiên tiến, chỉ chênh với đội được phong là anh hùng có một tí. Nghe kể cuộc đời của mỗi anh đội trưởng ngẫu nhiên cũng là chiến sĩ Điện Biên cũ, cũng đã loang loáng thấy lóe lên, rền lên biết bao bom đạn, bao hiểm nghèo, bao gan dạ. Các nhà báo từng nhóm hai người chia nhau ngồi trong các lái, Hân và Phùng cùng lên một xe. Lái cho hai người là một người trai trẻ bề ngoài lù khù nhưng đã trải qua sáu năm đánh Giônxơn và Níchxơn thật sôi động, đuôc làm lễ vào Đảng cách đây chỉ nửa tiếng đồng hồ. Chuyện này vừa xảy ra trước mắt các nhà báo, làm cho ai nấy đều kích động lắm. Hân bắt tay anh lái trước rồi mới vòng lại để bước lên xe.Độc giả có thể tìm mua ấn phẩm tại các nhà sách hoặc tham khảo bản ebook Giữa Trong Xanh PDF của tác giả Nguyễn Thành Long nếu chưa có điều kiện.Tất cả sách điện tử, ebook trên website đều có bản quyền thuộc về tác giả. Chúng tôi khuyến khích các bạn nếu có điều kiện, khả năng xin hãy mua sách giấy.