Liên hệ: 0912 699 269  Đăng nhập  Đăng ký

Con Đường Đi Đến Thành Công Bằng Sự Tử Tế (Inamori Kazuo)

Xã hội những năm gần đây, những vụ án tồi tệ liên tục xảy ra: đánh tráo thực phẩm, che giấu sản phẩm lỗi, kết toán ảo... đến chuyện lập quỹ đen, các sự thật đáng buồn liên tiếp bị lộ tẩy về những người được gọi là công bộc của dân; rồi ở gia đình thì đầy các vụ án bi thảm... Và trước những chuyện như vậy hẳn sẽ nghe đâu đó tiếng thở dài “rồi đất nước này sẽ về đâu?”.

“Rồi đất nước này sẽ về đâu?”, bạn có biết đó là lời thở dài của một con người, mà theo nhiều thước đo hiện đại là mẫu người thành công - Inamori Kazuo, người sáng lập Công ty Kyocera, Công ty KDDI, nguyên chủ tịch Japan Airlines. Người đàn ông 75 tuổi này phải nói lên những lời đau buồn ấy trong lời nói đầu của tập sách Con đường đi đến thành công bằng sự tử tế, như lý giải lý do ông tha thiết muốn viết cuốn sách này. Tác giả chỉ ra nguyên nhân “chính tâm hồn đang ngày càng lụn bại đã làm người Nhật xấu xí đi. Và nó cũng là nguyên nhân chính tạo nên sự hỗn loạn trong xã hội Nhật ngày nay”. (Lời giới thiệu của Tuổi Trẻ)

Thông qua cuốn sách Con đường đi đến thành công bằng sự tử tế, tác giả Inamori Kazuo - Nhà sáng lập Hãng điện tử khổng lồ Kyocera, Hãng điện thoại KDDI, nguyên Chủ tịch Hãng Japan Airlines - mong muốn độc giả có thể tìm thấy con đường phải đi sau khi được tiếp xúc với những lời vàng ngọc của võ sĩ “samurai chân chính cuối cùng” Saigo Takamori.

Về tác giả

Inamori Kazuo tốt nghiệp ngành Kỹ sư Hóa học Ứng dụng Trường Đại học Kagoshima. Năm 1959, ông thành lập Công ty Kyoto Ceramic (Công ty Kyocera ngày nay) và đảm nhiệm chức Chủ tịch HĐQT, từ năm 1997 thì giữ chức Chủ tịch danh dự. Năm 1984, ông thành lập Công ty Daini Denden (Công ty KDDI ngày nay) và giữ chức Chủ tịch HĐQT, từ năm 2001 thì trở thành Cố vấn danh dự. Cũng trong năm 1984, ông thành lập quỹ Inamori, sáng lập giải thưởng Kyoto (vốn được xem là phiên bản Nhật của Giải thưởng Nobel) để biểu dương những người có thành tích cống hiến cho sự phát triển, tiến bộ xã hội của nhân loại. Ông còn là Hiệu trưởng Trường Seiwajyuku - nơi hội tụ các doanh nhân trẻ. Tìm mua: Con Đường Đi Đến Thành Công Bằng Sự Tử Tế TiKi Lazada Shopee

Inamori Kazuo có nhiều đầu sách được dịch và xuất bản tại Việt Nam. Hầu hết sách của ông trình bày những kinh nghiệm sống, kinh nghiệm kinh doanh và chia sẻ về những suy nghĩ làm người chân chính.

Nội dung chính

Con đường đi đến thành công bằng sự tử tế chứa đựng nội dung “2 trong 1”: triết lý kinh doanh của nhà lãnh đạo tài ba hàng đầu Nhật Bản Inamori Kazuo, và tư tưởng làm người mẫu mực của võ sĩ samurai chân chính bậc nhất nước Nhật thời Minh Trị Duy Tân Saigo Takamori.

Inamori Kazuo nhận định, di huấn của Saigo (được ghi chép lại trong cuốn Nanshu O I kun - quyển sách gối đầu giường của Inamori Kazuo) - chính là chân lý hướng dẫn con người đối đầu với những khổ đau, phiền muộn mà không né tránh, để rồi từ đó có cách ứng xử phù hợp, sống đúng đắn ở đời.

Chương 1: Vô tư

Tôi gặp được di huấn của Saigo sau khi sáng lập Kyocera 10 năm. Công ty lúc ấy phát triển rất nhanh và lên sàn chứng khoán, nhưng trong lòng tôi đầy bất an, vì chỉ cần sai lầm trong một quyết định kinh doanh thì Công ty sẽ đối mặt với nguy cơ phá sản, nhân viên và gia đình họ sẽ mất miếng cơm manh áo, ngoài ra còn có trách nhiệm với cổ đông. Đúng lúc đang mệt mỏi và đầy lo toan đó, tôi bị hút vào những lời răn dạy của Saigo.

Tôi đã xúc động trước một Saigo phủ định tuyệt đối lợi ích cá nhân, rằng “người lãnh đạo không được chen tư tâm vụn vặt”. Nếu nghĩ đến vai trò nắm giữ cuộc sống của nhiều nhân viên thì người lãnh đạo phải chấp nhận đánh mất cá nhân mình mà làm việc, lao động thật nhiều với ý thức mình là người phục vụ công ty. Khi tư tâm của người đứng đầu xuất hiện cũng là lúc công ty gặp khó khăn.

Nhờ lời răn của Saigo, tôi xác nhận được lòng tin với mình. Tôi thề sẽ không áp dụng chế độ “cha truyền con nối”, không để bà con ruột thịt kế tục, thậm chí không để họ hàng máu mủ đứng vào hàng ngũ lãnh đạo. Tư tưởng “vô tư” đó có thể bị cho là vô tình, lạnh lùng, nhưng để đứng đầu một tập thể thì đây là điều kiện bắt buộc.

Saigo còn để lại lời dạy rằng, “không được mua ruộng đất tốt cho con cháu”. Những người chỉ chăm chăm làm tăng tài sản (gia sản cá nhân hay cho dòng tộc) sẽ không thể điều hành chính đạo một cách công bằng. Đây là bài học “vô tư” cụ thể nhất, để con cháu có cách sống đúng đắn. Tức cái “tư”, cái “riêng” phải hoàn toàn được đặt qua một bên. Điều này thật trái ngược với tình cảm tự nhiên của con người. Thế nhưng Saigo đã trải qua bao nhiêu gian khó nên đã cứng rắn, quyết không phản lại lời thề ấy. Người làm lãnh đạo phải có ý chí như Saigo.

Sau khi khởi nghiệp, thu được thành công và lên sàn chứng khoán, các nhà lãnh đạo trẻ lập tức bán cổ phiếu của mình ra thị trường để thu lợi nhuận. Nếu may mắn, họ sở hữu hàng trăm triệu yen ở độ tuổi ba mươi. Nhưng chẳng biết lúc nào một người thành công như vậy sẽ tụt dốc, thất bại.

Chúng ta đã chứng kiến nhiều trường hợp như vậy. Đó là vì thành công đã khơi dậy “tư tâm” và kéo theo sự tụt dốc không phanh. Phần lớn các nhà kinh doanh hễ lên sàn thì bán cổ phần cá nhân để thu được nguồn vốn lớn và xem như là chuyện thường tình. Kết quả là người lãnh đạo giàu có hơn nhưng nguồn tài chính của công ty chẳng những không giàu lên mà còn thiếu vốn đầu tư vào việc kinh doanh mới, từ đó đánh mất cơ hội tăng trưởng lần hai khi lên sàn.

Năm 1971, khi Kyocera lên sàn, nhiều công ty chứng khoán mời chúng tôi tham gia giao dịch. Tôi có thể chọn 1 trong 2 cách: bán cổ phần người sáng lập sở hữu ra thị trường hoặc phát hành cổ phiếu mới bán ra thị trường. Cách thứ nhất mang lợi nhuận vào túi cá nhân người sáng lập, cách thứ hai mang lợi nhuận về công ty. Tôi đã chọn cách thứ hai để mọi tiền vốn thu được đều đổ vào công ty. Nhờ đó, Kyocera có điều kiện xây dựng cơ sở hạ tầng, kinh doanh ổn định, tổ chức đầu tư…

Càng thành công, thăng tiến, chúng ta càng phải khiêm tốn, càng phải thu mình lại, hy sinh cái tôi. Nếu không có dũng khí chấp nhận vai trò thiệt thòi nhất thì không thể làm lãnh đạo. Người không có dũng khí hy sinh cái tôi mà đứng bên trên thì những người bên dưới không thể hạnh phúc. Đây là chân lý vượt thời đại, vượt tầm quy mô tổ chức. Dù trong thời nào, công ty dù nhỏ hay lớn, điều kiện tiên quyết của người làm lãnh đạo là “vô tư”.

Chương 2: Thử thách

Nghịch cảnh là cơ hội để chúng ta nhìn lại mình và giúp ta trưởng thành. Hãy xem nghịch cảnh là cơ hội tốt để lập chí mạnh mẽ, đối mặt với nó một cách dũng cảm. Chính nhờ thử thách mà quyết tâm được tựu thành.

Thử thách không chỉ đơn thuần là khổ nạn. Thành công cũng chính là thử thách. Cho dù đạt được thành công và hạnh vận nhất thời, chúng ta cũng không được kiêu căng ngạo mạn, không đánh mất lòng khiêm tốn, tiếp tục nỗ lực không ngừng. Người lãnh đạo trở nên mất kiểm soát không phải lúc việc kinh doanh sa sút, mà là lúc kinh doanh thuận lợi. Thử thách dành cho người lãnh đạo là phải luôn thận trọng, hành xử đúng đắn, tránh xa hoa, không lãng phí, âm thầm lao động, chuyên tâm làm việc để làm gương. Nếu nhân viên không thấy cảm động trước thái độ làm việc của giám đốc thì mệnh lệnh ban ra khó được thi hành.

Những lãnh đạo thông thường thường lui về phía sau, cân nhắc chiến lược, kế hoạch kinh doanh. Nhưng khi Kyocera còn là một công ty nhỏ, tôi đã nghĩ rằng nên tự mình xung phong ra phía trước, chỉ huy cấp dưới và dẫn dắt họ. Đương nhiên, đã là lãnh đạo thì cần phải nghĩ đến chiến lược, chiến thuật. Cho nên, khi thì ra “tiền tuyến” vui buồn cùng “chiến sĩ”, khi thì rút lui về “trận địa” phía sau để lên kế hoạch tác chiến, đi đi lại lại giữa “tiền tuyến” và “hậu phương”, toàn tâm chỉ huy “trận mạc” chẳng phải là người lãnh đạo tuyệt vời sao?

Người đứng đầu công ty phải có được 2 mặt mâu thuẫn thật uyển chuyển: “độc đoán và hòa hợp”, “mạnh và yếu”, “lạnh lùng và nồng ấm”. Nếu chỉ có tinh thần lãnh đạo mạnh mẽ sẽ dẫn đến tình trạng mất kiểm soát, trở nên độc tài. Nếu chỉ có sự khiêm tốn, sẽ thiếu lực kéo để công ty phát triển lớn mạnh. Nếu mạnh mẽ quá sẽ gây phản ứng trong nhân viên, khiêm tốn quá lại khiến nhân viên xem thường. Điều hòa những mâu thuẫn đó và sử dụng nó như thế nào sẽ quyết định thành công hay thất bại của một đời người hay việc kinh doanh của một doanh nghiệp.

Chương 3: Lợi tha

Chỉ cần mỗi người gọt bớt lòng tham của mình, chịu tổn thất một chút, hay chỉ cần chúng ta dũng cảm nhường chút lợi của mình cho người khác, mọi việc sẽ suôn sẻ, trôi chảy. Tránh xa ham muốn, mài giũa lòng thành, cống hiến cho người. Đó chính là phương thuốc cho thời đại, là triết học để mọi người sống đúng đắn, là đạo đức chân chính.

Chỉ cần thay đổi “lợi kỷ” (chỉ biết có mình) sang “lợi tha” (vì người khác, vì nhân viên, vì xã hội), ta sẽ có được sự tin tưởng và cộng tác từ những người xung quanh, lúc đó dù là công việc hay trong đời sống, mọi việc chắc chắn sẽ tốt đẹp.

Chúng ta luôn nghĩ cách sao cho có lợi nhất đối với việc kiếm tiền của mình, nhưng thật ra không nên vậy. Như nhà tư tưởng, triết gia Ishida Baigan đã nói: “Người kinh doanh thực thụ phải nghĩ về khách hàng và nghĩ về mình”, tức là phải kiếm tiền thế nào mà khách hàng/đối tác cũng cảm thấy vui. Đây là lời giáo huấn sắc bén, đỉnh cao trong kinh doanh.

Chương 4: Đại nghĩa

Đại nghĩa của Kyocera được xác lập dựa trên nền tảng không vì tư lợi hay ham muốn cá nhân của một người lãnh đạo mà vì nhân viên, vì mọi người. Chính vì có đại nghĩa mang tên “quan niệm công ty” này, mọi người trong Kyocera cùng dốc sức, đoàn kết, sáng tạo, tạo nguồn động lực để phát triển.

Tư tưởng của Saigo mà tôi luôn đề cập triệt để là “Kính Thiên Ái Nhân” (Kính trọng Trời Đất, yêu thương con người), và tôi lấy những lời này làm phương châm của Kyocera. “Kính trọng Trời Đất” là sống tốt, sống thật đúng với đạo lý tự nhiên, đạo lý làm người, có nghĩa là “thông suốt, quán triệt những điều đúng đắn với tư cách làm người”. Còn “yêu thương con người” là bỏ hết tâm tư, tư dục cá nhân, sống với trái tim biết nghĩ đến người khác, vì cái lợi cho người khác. Tôi theo phương châm này mà lèo lái công ty và chưa từng lầm đường lạc lối.

Phần đông người ta thường thất bại trong việc dấn thân, thử thách, mở ra sự nghiệp mới, chỉ có một số ít trong khoảng chừng một nắm tay là thành công. Tôi tin rằng yếu tố quyết định thành bại là trái tim trong sáng, không tư lợi.

Chương 5: Đại kế

Người lãnh đạo hay giám đốc công ty phải tạo ra tầm nhìn rõ ràng trong 10 năm, 20 năm và chỉ ra cho nhân viên thấy. Ấy vậy mà nhiều người may mắn được lên chức giám đốc sau thời gian “sống lâu lên lão làng” chỉ muốn củng cố nhiệm kỳ 2 năm, 4 năm bằng cách “kế thừa phương châm của người tiền nhiệm”.

Đương nhiên, việc kế thừa phương châm của người đi trước không có gì xấu, nếu đó là tầm nhìn tương lai rõ ràng. Nhưng nếu nó mang tính triển vọng hay mơ hồ thì việc đầu tiên phải làm trên cương vị giám đốc mới là trình bày phương châm của mình thật rõ ràng rằng “tôi muốn dẫn dắt công ty này theo hướng như vậy”. Bởi giám đốc thay đổi mà công ty không thay đổi thì thật kỳ cục. Nếu công ty không thay đổi gì so với thời người lãnh đạo ấy làm chuyên môn, trưởng phòng hay phó giám đốc thì việc người ấy trở thành giám đốc chẳng có ý nghĩa gì.

Chương 6: Giác ngộ

Trong điều di huấn thứ 30, Saigo có nói: “Đối xử với người không cần tính mạng, không cần danh vọng, không cần cả quan vị, tiền tài rất khó. Nếu không có những con người “lớn” như thế sẽ không đạt được thành công”. Bản thân ông là người vô tư, không cần tính mạng, danh vọng, quan vị, tiền tài, nghĩa là người đã xa rời lòng tham.

Với người có lòng tham chỉ cần cho tiền, cho chức tước thì điều khiển họ rất dễ dàng, nhưng với những người không tham, không thể lay chuyển bằng những toan tính thiệt hơn thì rất khó điều khiển. Vậy ta sẽ lay chuyển những người như vậy bằng gì? Đó là “thành, nhân, nghĩa”. Nếu không phải là những người như vậy thì không thể cùng nhau chinh phục khó khăn.

Từ thời trẻ, tôi đã rất thích quan điểm này của Saigo. Tự bản thân tôi không thành người như vậy được nhưng tôi thường tự nhắc mình và cố gắng đạt được như vậy. Và tôi cũng đã nghĩ cần phải có những người vĩ đại như vậy để cùng nhau làm nên sự nghiệp.

Chương 7: Vương đạo

Nội chính hay ngoại giao, căn bản là đi con đường đúng đắn. Nếu chúng ta dùng đối sách để đánh gục đối thủ, hẳn sẽ phải đón nhận đòn đau tương tự. Nếu dùng sức mạnh, sẽ bị người xa lánh. Nếu đối mặt mà dò hỏi thái độ, sắc mặt đối phương, sẽ không nhận được lòng tin. Nếu chúng ta cương quyết giữ vững lập trường đúng đắn, sẽ xây dựng được mối quan hệ tin cậy.

“Chính đạo” mà Saigo nói không phải là con đường đúng đắn với riêng nước Nhật, với riêng cá nhân nào mà là con đường đúng đắn không hổ thẹn với Trời Đất và lương tâm làm người. Toàn thế giới với bao nhiêu điều khác biệt vẫn có những điểm chung. Đó là chính nghĩa, công minh, công bằng, bác ái, thành thật… tức những giá trị tinh thần của một con người, là đạo đức.

Chương 8: Lòng thành

Saigo luôn nghĩ trái tim chân thành của con người là thứ quan trọng nhất và ông tự mình mài giũa lòng thành để làm gương. Cho đến nay, những điều răn dạy đó vẫn còn nguyên vẹn giá trị. Tôi cực kỳ tin tưởng rằng trái tim trong sáng, không bị phụ thuộc vào những ham muốn, toan tính thiệt hơn là thứ mạnh mẽ nhất trong thời đại cạnh tranh gay gắt này.

Tận cùng nguyên lý của những hành động của Saigo là một trái tim chí thành mọi lúc mọi nơi. Không phải sách lược, mưu kế mà chính lòng thành trong sáng đó đã lay động lòng người.

Nếu chỉ tài năng, tri thức thì không thể khiến trái tim con người ta cùng chung nhịp đập. Con người ta không vì tiền, danh vọng hay quyền thế mà vì lòng thành thôi thúc nên có thể vượt qua gian khó, phát huy tối đa sức mạnh tinh thần.

Có thể lấy ví dụ về các công ty mới trong ngành IT. Nhiều ngôi sao trẻ xuất hiện, sau vài năm khởi nghiệp đã tham gia sàn chứng khoán, thu được khoản lãi lên đến hàng chục, hàng trăm tỷ yen, trở thành nhà lãnh đạo trẻ tuổi được yêu thích của thời đại. Nhưng số người biến mất khỏi vũ đài bởi sự cố cũng nối tiếp nhau không dứt.

Rõ ràng, chỉ tài năng không thôi thì không tồn tại lâu dài. Sự nghiệp thiếu thành tâm sẽ không nhận được sự đồng cảm, hợp tác từ chính nhân viên, đối tác và xã hội. Người lãnh đạo không có lòng thành sẽ chạy theo những kế sách nhỏ nhen, khôn vặt để rồi lầm đường mà không duy trì thành công lâu dài được.

Chương 9: Lòng tin

Một lãnh đạo từng tâm sự với tôi rằng ông ấy từng rất cảm động khi nghe tôi nói cuộc đời mình là “những ngày không ngừng nâng cao tín niệm”. Ông ấy cảm động với suy nghĩ không ngừng nâng cao quan niệm kinh doanh, cách nghĩ, quan niệm triết học chứ không phải chỉ kỹ thuật kinh doanh của tôi.

Thời trẻ, tôi luôn nhắc nhở mình phải đọc sách ít nhiều trước khi ngủ nên đầu giường chất hàng chục cuốn sách triết học và tôn giáo. Những hôm về trễ, tôi vẫn cố gắng đọc một, hai trang. Có lẽ nhờ những ngày trẻ như vậy mà tôi có thể đường đường tổng quát nửa đời mình như vậy.

Tôi dùng câu “nâng cao tâm hồn, phát triển kinh doanh” để chỉ mối quan hệ song phương của nhân cách người lãnh đạo và thành tích công ty. Cũng có thể nói đây là bản chất của kinh doanh. Muốn phát triển kinh doanh thì trước tiên phải nâng cao tâm hồn bản thân người lãnh đạo, sau đó tự nhiên thành tích cũng sẽ đi theo.

Tuy nhiên, Saigo cũng từng nói, cho dù đã tu thân, lập chí nhưng khi hữu sự mà không ứng phó được thì cũng chỉ như một hình nhân bằng gỗ. Nghĩa là phải luôn chuẩn bị để có thể ứng dụng, thực hành kiến thức có được. Dù có học bao nhiêu tri thức tinh thông của thánh hiền, có học lý luận kinh doanh, kỹ thuật bao nhiêu đi nữa mà không có dũng khí, không giữ cho mình một lòng tin mạnh mẽ, ý chí cao mà thực hành thì không thể nào khắc sâu, thu thập kiến thức vào người được, đến khi tiến hành thực tế thì không giúp ích gì.

Điểm này, như Saigo khuyên, “lập chí, quyết tâm nỗ lực vượt qua khổ nạn, chịu đựng gian khó”. Trong quá trình khắc phục khó khăn, suy nghĩ, tư tưởng đó sẽ trở thành lòng tin của ta.

Chương 10: Lập chí

Saigo cho rằng những người đứng trơ như phỗng trước con đường đi đến mục tiêu dài dằng dặc và tự mình bỏ cuộc vì nghĩ “mình không thể làm gì được” là kẻ nhu nhược, yếu đuối, chỉ biết trốn tránh.

Bất kỳ việc gì cũng bắt đầu từ tư duy một cách mạnh mẽ. Đặt ra mục tiêu thật cao và nghĩ “tôi muốn như thế”. Phải luôn giữ nguyện vọng mạnh mẽ như thể ý thức đắm chìm vào đó. Bắt đầu từ nghĩ mạnh mẽ, ngủ cũng như thức, không phút nào không nghĩ đến mục tiêu đó, từ đó thực hành lời dạy của bậc tiền nhân. Con đường đó có thể rất chông gai, có thể đầy rẫy những khó khăn, nhưng những người kiên định với ý chí mạnh mẽ sẽ không bao giờ biến mất khỏi con đường dẫn đến mục tiêu. Giả sử, dọc đường có gặp trắc trở, giậm chân tại chỗ hay vấp ngã, họ vẫn đứng dậy để tiến về phía trước. Ngược lại, những người không có chí sẽ chẳng có con đường nào mở ra.

Lập chí và bước đi. Chuyện đó không dễ dàng gì. Nhưng Saigo nói hãy lấy khó khăn làm niềm vui.

Chương 11: Tinh tiến

Năm 1997, tôi được phép quy y cửa Phật. Phật giáo gọi việc con người ta mài giũa tinh thần, nâng cao tâm hồn và cuối cùng đạt đến cảnh giới là “ngộ” và thuyết giảng “Lục độ Ba la mật đa” như con đường tu hành dẫn đến “ngộ”. Trong 6 cứu cánh Ba la mật đa đó có “tinh tiến”.

“Tinh tiến” là làm việc hết sức mình, chăm chỉ, cố gắng, ngôn ngữ hiện đại gọi là “làm việc”. Làm việc không đơn giản là cách để nhận công. “Làm việc” ở đây là hết lòng vào công việc, lao động hết sức mình với “nhất tâm bấn loạn” để xây dựng trái tim, linh hồn, nhân cách. Hễ còn sống thì không ngừng tinh tiến. Saigo đã nói phải liên tục nỗ lực hằng ngày với sự tập trung cao độ, không được lơ là. Nếu chỉ sống thờ ơ, gặp đâu hay đấy, không có cái nhìn xuyên suốt thì gặp sự cố không thể có phán đoán, hành xử đúng đắn. Đây là điểm rất quan trọng với những người đứng ở vị trí đưa ra quyết định như nhà lãnh đạo kinh doanh.

Như kinh nghiệm thời trẻ của tôi. Có những lúc quá bận rộn mà tôi giải quyết công việc cho qua, hay xem thường những kế hoạch nhỏ nên không tự mình quyết định, giao hết cho cấp dưới. Về sau, chính những quyết định và những lúc lơ là đó đã dẫn đến những rắc rối to lớn. Sau nhiều lần như vậy, tôi tuyên bố dù bận rộn đến mấy vẫn phải dành thời gian và tạo ra nơi làm việc tập trung tinh thần, trao đổi nghiêm túc. Có thể chỉ với khoảng thời gian 10 phút nhưng đó là 10 phút thật sự tập trung suy nghĩ, đưa ra kết luận.

Trên thực tế, cho đến lúc Kyocera phát triển thành một công ty có quy mô lớn, tôi luôn xem qua từng kế hoạch, hợp đồng của công ty và ra quyết định. Tôi không bao giờ giao phó cho cấp dưới giải quyết một việc nửa vời. Với những kế hoạch lớn, tôi luôn ra từng quyết định một và hầu như chưa mắc phải sai lầm nào.

Có thể đó là do tôi đã tập thói quen tập trung từ thời trẻ nên năng lực phán đoán của tôi được mài giũa. Nhưng điều tốt nhất tôi làm được là nghĩ rằng tập trung tận lực là nhiệm vụ của người đứng đầu.

Chương 12: Kỳ vọng

Gia đình, sở làm, công ty, xã hội, quốc gia, tùy vào trái tim của những người cấu tạo nên mà những tập thể này khác nhau. Nếu người sống ở đó chỉ biết nghĩ đến mình thì tình hình nhiễu nhương, nếu họ có trái tim biết nghĩ đến người khác thì sẽ có một xã hội thịnh vượng. Từ đó, vấn đề được đặt ra là trái tim, tâm hồn của từng người cấu tạo nên tập thể phải như thế nào.

Tình trạng xã hội là tấm gương phản chiếu trái tim con người. Sự phát triển bền vững của công ty, nền kinh tế hay tương lai tươi sáng, yên bình của một xã hội, quốc gia đều bắt đầu từ việc mài giũa tâm hồn của mỗi chúng ta.

Độc giả có thể tìm mua ấn phẩm tại các nhà sách hoặc tham khảo bản ebook Con Đường Đi Đến Thành Công Bằng Sự Tử Tế PDF của tác giả Inamori Kazuo nếu chưa có điều kiện.

Tất cả sách điện tử, ebook trên website đều có bản quyền thuộc về tác giả. Chúng tôi khuyến khích các bạn nếu có điều kiện, khả năng xin hãy mua sách giấy.

Nguồn: thuviensach.vn

Đọc Sách

Con Đường Thành Đạt Của Phụ Nữ Không Phải Ở Nơi Bạn Bắt Đầu Mà Là Ở Nơi Bạn Kết Thúc (Gillian Hennessy-Ortega)
Phòng họp lớn ở trung tâm Kansas City Convention đầy ắp người khi một phụ nữ ngả người lấy chiếc áo khoác da từ tay một người đàn ông. Khi cô ta khoác chiếc áo ấy lên người, bạn có thể thấy nó không chỉ là một chiếc áo khoác bằng da mà nó còn là chiếc áo thể hiện hình ảnh của lá cờ Mỹ. Quân đội Mỹ đã vừa đổ bộ lên Irắc và khi khán giả thấy chiếc áo khoác ấy thì tiếng nói chuyện huyên náo và mọi đôi mắt đều tập trung vào người mặc chiếc áo khoác đó khi cô ấy bắt đầu phát biểu. Cô ấy đề cập đến những bước khởi đầu khiêm tốn của mình ở Ireland và những sự phấn đấu trong quá khứ của cô. Cô ấy cho biết khi đến Mỹ trong túi cô chỉ vỏn vẹn có tờ giấy bạc trị giá hơn 20 đô la. Sau đó cô nói đến câu chuyện về một cô gái Ireland với những bước khởi đầu nghèo hèn đã vượt qua được nghịch cảnh và đạt được sự thành công vượt bực ở xứ lạ quê người ra sao khiến người ta phải cảm động. Một bài nói chuyện hết sức truyền cảm, nhưng buổi tối ấy chưa kết thúc ở đó. Cô ấy mời bất cứ khán giả nào có chồng, con trai hoặc thân nhân phục vụ trong quân đội Mỹ đứng lên. Từng người một, đến hàng trăm người đã đứng lên cho biết họ có người nhà phục vụ trong quân đội. Trong một lúc dường như người ta đứng bất động khi một bài hát bắt đầu phát ra từ những chiếc loa phóng thanh ở trung tâm ấy. Đó là bài “Tự hào là một người Mỹ” của Lee Greenwood. Không đến ba phút sau, ở trong khán phòng không còn đôi mắt nào không rướm nước mắt. Câu chuyện hấp dẫn của chính cô kết hợp với sự nhiệt tình của cô về đất nước ấy đã tạo cho cô cơ hội để sống, nó chính là một bằng chứng hùng hồn nhất về khả năng tiềm tàng ở trong tất cả mọi người chúng ta đều có thể vượt lên nghịch cảnh và sống một cuộc sống sung túc. Đó là lời giới thiệu của tôi về Gillian Hennessy-Ortega, một câu chuyện về một cô gái Ireland nhỏ bé mới đầu nghèo hèn đã trở nên rất đỗi giàu có, cô đã đến đất Mỹ và trở nên yêu thương quê hương xứ sở mới của mình thật dạt dào. Tất cả những gì đã xảy ra ở khán phòng đó chính là “Gillian”. Sau khi viết cuốn More Than a Pink Cadillac (Hơn một Chiếc Cadillac tốt nhất), tôi được mời đi tham quan nhiều nơi ở Bắc Mỹ và nói về cuốn sách ấy. Khi tôi đi hết chỗ này tới chỗ khác ở Mỹ, Canada và được đi tham quan cùng với nhiều nhân viên tư vấn trong số một triệu Nhân Viên Tư Vấn Sắc Đẹp Độc Lập (Independent Beauty Consultant) làm việc với cô ấy, tôi đã nghe được nhiều câu chuyện về “Gillian.” Đó là lý do tại sao khi được cho cơ hội đọc bản thảo của cuốn sách đầu tay của cô ấy, tôi không những muốn đọc toàn bộ bản thảo mà còn muốn những người khác cũng đọc được cuốn sách này. Khi đọc cuốn sách ấy, tôi thấy nhiều ý tưởng cuốn hút và đem lại khả năng cho bất cứ ai muốn có cuộc sống tốt đẹp hơn hoặc muốn thay đổi tương lai của họ. Điều đáng nói là nếu tôi tìm được một thứ ở trong số những người thật sự thành đạt đều có, thì đó chính là nghịch cảnh đầy cam go mà hầu hết người ta đều phải vượt qua để thành công. Tìm mua: Con Đường Thành Đạt Của Phụ Nữ Không Phải Ở Nơi Bạn Bắt Đầu Mà Là Ở Nơi Bạn Kết Thúc TiKi Lazada Shopee Một trong những điều quan trọng mà Gillian trình bày trong cuốn sách này sẽ chỉ rõ sự thành công của cá nhân không theo một công thức hoặc đạt đến một mục tiêu nhất định nào cả. Cô ấy đưa ra cảnh ngộ thật thích hợp cho việc gắn bó cuộc sống bằng khả năng tự làm chủ lấy bản thân, sự xuất sắc cá nhân và thái độ đạo đức. Tôi tin cô ấy đúng: Sự thành đạt không đòi hỏi phải xử lý gì nhiều về cách tiến hành công việc hơn là phải ứng xử bằng tính cách của cá nhân. Gillian bắt đầu cuốn sách với phần tóm lược về cuộc đời của chính mình và những nghịch cảnh cô đã phải đối diện khi còn là một thiếu nữ ở Ireland. Ở các chương kế tiếp, cô ta viết về những vấn đề cơ bản liên quan đến tính cách và cá nhân mà chúng tạo nền tảng cho sự thành đạt cá nhân. Cô ta minh họa mỗi ý tưởng bằng một câu chuyện về người nào đó mà cô quen biết trong lực lượng kinh doanh độc lập của công ty Mary Kay, nhân vật đã cố gắng đạt được phẩm chất đó. Cô ấy cũng giải thích ở hầu hết mọi chương các ưu tiên hàng đầu của Mary Kay là “nhất Thượng đế, nhì gia đình và ba công việc” là phương tiện để đem lại sự thành công của những cá nhân này như thế nào. Tôi tin là bạn thấy cuốn sách này sẽ làm cho mình có hứng thú tìm kiếm sự xuất sắc trong cuộc sống của chính bạn. Nếu vào lúc nào đó trong cuộc sống của bạn khi bạn cần có cảm hứng hoặc phương hướng, thì tôi đề nghị bạn đọc cuốn sách này. Thực sự bạn cũng nên đọc nó nếu bạn dễ dàng bị thối chí, nếu bạn cảm thấy mình bị sa lầy ở một nghề nghiệp làm cho mình không mấy tiến bộ hoặc không thể thăng tiến được. Đây là cuốn sách nói về việc vượt lên khỏi nghịch cảnh và trở thành một người kiệt xuất. Nó không chỉ là một cuốn sách có thể áp dụng cho những người ở trong lĩnh vực kinh doanh. Tôi tin những nguyên tắc này sẽ giúp ích cho bạn, bất kể sự lựa chọn cho tương lai của bạn ở đâu. Tôi hy vọng cũng giống như tôi, bạn sẽ thấy cuốn sách này thật thú vị.Độc giả có thể tìm mua ấn phẩm tại các nhà sách hoặc tham khảo bản ebook Con Đường Thành Đạt Của Phụ Nữ Không Phải Ở Nơi Bạn Bắt Đầu Mà Là Ở Nơi Bạn Kết Thúc PDF của tác giả Gillian Hennessy-Ortega nếu chưa có điều kiện.Tất cả sách điện tử, ebook trên website đều có bản quyền thuộc về tác giả. Chúng tôi khuyến khích các bạn nếu có điều kiện, khả năng xin hãy mua sách giấy.
Chuyện Người Tùy Nữ (Margaret Atwood)
“Sự Cám dỗ của Chuyên chế” là tên một cuốn sách của Jean-François Revel (1924-2006) tôi mượn đặt cho bài viết này bởi câu chuyện kỳ dị cay đắng và bóp nghẹt lồng ngực của Chuyện người tùy nữ có lẽ trước hết cảnh cáo ta về một tiềm năng mang tính dị truyền lịch sử của một thứ nhu cầu, ham muốn, và khả năng đáp ứng nhu cầu ấy nơi con người, cái hoàn toàn có thể diễn đạt như là sự cám dỗ của chuyên chế. Cám dỗ chuyên chế lớn đến độ người ta thấy nó thấp thoáng đằng sau mỗi chân lý hay lẽ phải mà lịch sử từng biết đến. Ở đây, đó là nền chính trị thần quyền của một “Nước Cộng hòa Gilead” - cái tên có lẽ là một kiểu chơi chữ: Cộng hòa do Chúa dẫn dắt. Khái niệm này bản thân nó là một trong những sản phẩm sáng tạo nhất của trí tưởng tượng: một nền cộng hòa trong khi chờ Chúa trở lại. Đối với bất cứ ai chỉ cần một chút quan tâm đến thời sự thì đơn giản đó đã là một mẫu hình có trong thực tế, và tính sáng tạo kỳ quái của nó, tính tưởng tượng phi thường của nó, lại phải nhờ đến văn học làm môi trường phát lộ - như trong cuốn tiểu thuyết này. Chuyện người tùy nữ tuy nhiên lại không đi con đường phân tích có tính chất sử thi các hiện tượng, các sự kiện và biến cố ở tầm mức ta quen hình dung về cái gọi là Lịch sử; việc này có đối chứng ở phần cuối của cuốn tiểu thuyết, không đánh số trang, như một phụ lục hay một vĩ thanh độc đáo dưới tiêu đề “Chú dẫn lịch sử về chuyện người tùy nữ”. Tìm mua: Chuyện Người Tùy Nữ TiKi Lazada Shopee Toàn bộ câu chuyện chính tập trung vào thể hiện cái trải nghiệm của nhân vật người Tùy nữ, chính là người đã kể câu chuyện này. Và đây là một tác phẩm hiếm hoi cho ta thấy một trải nghiệm cá nhân có thể được mô tả thích hợp, trọn vẹn, sâu sắc và triệt để như thế nào. Trước hết đó là một thực nghiệm gắt gao: tước bỏ những điểm chuẩn quen thuộc luôn dựng lên gợi lên cái nhìn từ bên ngoài hay là một hình thức cái nhìn bên ngoài về một con người: tên tuổi, những đặc điểm nhân thân và những chuỗi liên hệ xoay quanh, đi và đến từ những đặc điểm ấy. Nhưng nói cho đúng thì đó không phải là sự tước bỏ, mà, giống như một ngọn đèn không cần tự soi sáng cái đui của nó, nhân vật người Tùy nữ kể chuyện đã đặt ta vào một quan hệ nội tiếp với ý thức của chị ta, vào bên trong cái nhìn của người kể chuyện, bên trong đôi mắt căng thẳng, lo âu, kìm nén và sắc sảo luôn bị chặn giữa “hai cái cánh” khi đi ra ngoài “để chúng tôi không thấy được, nhưng cũng không bị thấy” (tr.17), cũng là đôi mắt luôn luôn nhìn thấy những mảnh vỡ của quá khứ chính mình, những mảnh vỡ của đời sống, và của Lịch sử… Sự tước bỏ ấy, hay là sự đặt ta vào bên trong cái ý thức cá nhân, cụ thể đặc thù mà vẫn vô danh ấy, lạ thay lại làm nổi bật lên, sắc nét một cách khó có thể sắc nét hơn, chính cái con người cá nhân đó. Ngay từ những câu kể đầu tiên, người kể đã lôi chúng ta vào một con sông lười của dòng chảy tâm lý nhân vật, cái dòng ý thức của chị ta; nhưng chỉ đến vậy thôi: chúng ta không buộc phải lặn ngụp, chúng ta ngồi trên những chiếc phao để nghe con sông kể về chính nó như một thứ giáo cụ trực quan. Và người Tùy nữ không quên thỉnh thoảng lại nhắc nhở chúng ta về tình trạng đó. Chị ta sẽ bảo: “Tôi những muốn tin mình chỉ đang kể chuyện” (tr.59), hay: “Bên kia cửa là cuộc sống bình thường. Tôi sửa lại: bên kia cửa trông như cuộc sống bình thường” (tr.187), v.v… Dường như để nhấn mạnh hành động kể, việc “Tôi” chuyển thành lời cái trải nghiệm của “Tôi” - một việc có tầm quan trọng sống còn, có giá trị bằng toàn bộ tương lai vô vọng trong hoàn cảnh của “Tôi” lúc đó, có giá trị đúng bằng sự sống còn bởi tách mình được khỏi cái thực tại kinh khủng thông qua hành động biến nó thành chuyện (vì tạm thời không có cách nào khác) và do đó, “ai tin được rằng chuyện kể chỉ là chuyện kể sẽ có cơ may cao hơn” (tr.59), có giá trị bằng sự tồn tại của những người thiết thân cho mình bởi hành động kể tạo lập người nghe và “Tôi kể, vì thế người tồn tại” (tr.356), người tạo thành thế giới cho tồn tại của “Tôi” - dường như để nhấn mạnh hành động kể quan trọng như thế nên người Tùy nữ hơn một lần đã ra sức làm rõ việc kể chuyện này. “Đây là tái dựng…” (tr.183), chị ta cho thấy những câu chuyện trong câu chuyện; chị ta kể lại lời kể của người bạn gái thân Moira mà “không thể nhớ đúng từng từ, bởi không cách nào chép lại”, nhưng “tôi đã cố sao cho càng giống cô càng tốt. Cũng là một cách giữ cho cô sống” (tr.330). Đó hoàn toàn không phải là điều nằm ở bình diện một mánh lới kể chuyện, hoàn toàn vượt qua cấp độ những thủ pháp của một người kể ý thức sâu sắc về hành động kể của mình. Tôi đã nói rồi: chị ta đưa chúng ta lên những chiếc phao (gì cũng được!) trên một dòng chảy của ý thức. Có chuyện chị ta kể đến hai lần, liên tiếp; như chuyện chị ta ngủ với Nick lần đầu tiên; vừa kể dứt, chị ta bảo: “Tôi bịa ra đấy. Không phải thế đâu. Mà là thế này” (tr.350). Hai lần kể cho cùng một câu chuyện - và ta thấy trong khoảng thời gian đó không phải là ta đứng yên hay dòng sông kia ngừng chảy, lại càng không quang cảnh kia lặp lại, cho dù vẫn chuyện đó thôi. Vậy thì điều ta thấy ở câu chuyện được nhân đối ấy phải chăng là hai cái thực tại khác nhau, cho dù không khác đáng là bao, mà song song tồn tại? Hay phải chăng ở những khe hở giữa hai thực tại không trùng khít lên nhau đó ta lờ mờ thấy một thực tại thứ ba khác hẳn, không được rọi chiếu, không hiển ngôn? Vâng, nếu có như vậy thì ta cũng không bao giờ biết được. Mà câu chuyện bảo ta rằng nó kể về những thực tại mang tính ý hướng, những sự kiện chỉ trở nên thực tế bởi có một ý thức soi rọi vào bằng ý định và sự cố ý của mình, bởi có một ý thức đã kinh qua các sự kiện đó để biến chúng thành sự kiện, đã trải nghiệm chúng để liên kết chúng vào kinh nghiệm của chúng ta, biến chúng thành thực tế. Và cái ý-thức-người-Tùy-nữ đó, trước khi kết thúc câu chuyện, càng tỏ ra day dứt hơn bởi tính trải nghiệm cá nhân mà hành động kể của chị bộc lộ: “Tôi ước gì câu chuyện này khác đi. Tôi ước nó văn minh hơn. Tôi ước mình hiện ra trong đó tốt đẹp hơn, bớt do dự, bớt phân tâm vào những điều nhỏ nhặt. Tôi ước nó có đầu có đuôi hơn. (…) Thứ lỗi cho tôi vì chuyện này quá nhiều đau thương đến thế. Thứ lỗi cho tôi nó rời rạc từng mảnh vụn, như xác người kẹt giữa hỏa lực cánh sẻ hay ngũ mã phanh thây. Nhưng tôi nào có làm gì sửa được. Tôi cũng đã cố đưa vào ít thứ tốt lành rồi đấy. Hoa chẳng hạn, bởi chúng ta sẽ ra sao nếu không có hoa?” (tr.355-356) Quả là có một số đoạn rất đẹp, sống động một cách độc đáo, về hoa, mà tôi tin bạn sẽ cảm thấy ở đấy chủ yếu là các chất liệu: nhựa cây, cánh hoa và lá vò nát trên ngón tay, màu đỏ tự nhiên một cách khó hiểu ở chỗ bông hoa rụng ra, v.v… chứ không phải những bức tiểu họa duyên dáng nào đó. Và không phải là những biểu lộ trữ tình. Trong câu chuyện của Người Tùy nữ này không có hy vọng, không có tương lai, cho nên những khi hoa hiện lên trong trải nghiệm cá nhân căng thẳng của chị ta thì nó hiện lên như những biểu tượng trong mơ của cả hai điều ấy, đồng thời cũng biểu trưng cho các ký ức về những gì gọi là hy vọng và tương lai. Hoa đó chính là hoa “ước gì” và hoa “Thứ lỗi cho tôi…” trùng điệp trong đoạn văn trích ở trên. Người Tùy nữ lăp lại “ước gì” và “xin thứ lỗi” ngay trước một đoạn tàn bạo đến cực điểm - trường đoạn chị ta kể về buổi hành quyết định kỳ được gọi là “Cứu chuộc đàn ông”. Bạn sẽ phải tưởng tượng cảnh một người còn sống bị một nghìn con mèo nhà xé xác. Nhưng ở đây tôi muốn nói đến sự lặp lại những khẳng định về hành động kể, về việc kể chuyện - sự lặp lại rõ ràng cố ý của Người Tùy nữ. Đúng là có sự tô đậm, rất phong cách, một nét nữ tính trong những ước gì và xin thứ lỗi đó. Tuy nhiên không chỉ là như vậy. Trở lại một chút phần lời kể ở trang 59, đã trích ở trên, chị ta đã phân định rõ ràng: “Tôi những muốn tin mình chỉ đang kể chuyện. Tôi cần tin thế. Tôi phải tin thế…”, song ngay sau đó thì: “Đây không phải tôi đang kể chuyện. Đây cũng là tôi đang kể chuyện, trong đầu mình; trong lúc vẫn đang sống tiếp.” Như vậy, không thể rõ ràng hơn: trải nghiệm cá nhân phải là một trải nghiệm ở cấp độ thứ hai - cấp độ của ý thức nhận thức về chính nó, cũng như truyện kể luôn luôn là truyện kể về một câu chuyện (“Ngày xửa ngày xưa, có một ông vua…”). Chính là ở cấp độ đó thì một tính ý hướng của ý thức trải nghiệm mới có được sự xác nhận, bằng sự tách rời tương đối với cái thực tại mà nó kinh qua và quan trọng hơn - như trong bối cảnh của Người Tùy nữ, đặc biệt trong những cảnh như cơn cuồng loạn đám đông một buổi “Cứu chuộc đàn ông” - bằng sự tách rời với một tính ý hướng bị mặc định, bị ám thị thôi miên và do đó mà hợp thức hóa những kinh nghiệm mà mình không muốn, xác nhận một ý thức nào đó bên ngoài ý chí mình. “Tôi ước gì…”, “Xin thứ lỗi cho tôi…” - bởi thế - là cất lên tiếng nói của một câu chuyện khác bên kia câu chuyện đang kể đây, tiếng nói chống lại sự cám dỗ của việc thích nghi với một thực tại “có quá nhiều đau thương đến thế” này, sự thích nghi mà chính Người Tùy nữ đã có lúc rơi vào, khi chị ta có được Nick giống như “một vợ dân khai khẩn”, một người đàn bà thoát khỏi chiến tranh và kiếm được một người đàn ông; mà chị ta phải thốt lên: “Sửng sốt biết bao, khi thấy người ta tập quen được những gì, miễn là có tí bù đắp” (tr.362). Câu chuyện của Người Tùy nữ do đó là câu chuyện của một người đàn bà chống lại sự cám dỗ. Mà không phải người đàn bà đối diện những cám dỗ thông thường ai cũng nghĩ đến ngay. Ở đây, Người Tùy nữ kể câu chuyện của mình chống lại một Sự Cám dỗ của Chuyên chế. Nguyễn Chí HoanĐộc giả có thể tìm mua ấn phẩm tại các nhà sách hoặc tham khảo bản ebook Chuyện Người Tùy Nữ PDF của tác giả Margaret Atwood nếu chưa có điều kiện.Tất cả sách điện tử, ebook trên website đều có bản quyền thuộc về tác giả. Chúng tôi khuyến khích các bạn nếu có điều kiện, khả năng xin hãy mua sách giấy.
Chiến Thắng Trò Chơi Cuộc Sống (Adam Khoo)
Adam Khoo là một doanh nhân, tác giả sách bán chạy nhất và là một trong những chuyên gia đào tạo xuất sắc. Trở thành triệu phú tay trắng làm nên vào năm 26 tuổi, Adam sở hữu và quản lý nhiều công việc kinh doanh với tổng thu nhập hàng năm hơn 30 triệu đô. Anh là Chủ tịch của công ty Adam Khoo Learning Technologies Group, một trong những công ty lớn nhất châu Á về giáo dục và đào tạo. Adam cũng là tác giả của mười một quyển sách bán chạy nhất khác bao gồm,“I Am Gifted, So Are You!”, (ấn bản tiếng Việt - “Tôi Tài Giỏi, Bạn Cũng Thế!”), “How to Multiply Your Child’s Intelligence”, “Master Your Mind, Design Your Destiny” (ấn bản tiếng Việt - “Làm Chủ Tư Duy, Thay Đổi Vận Mệnh”, “Secrets of Self-made Millionaires” (ấn bản tiếng Việt - “Bí Quyết Tay Trắng Thành Triệu Phú”) và “Nurturing the Winner & Genius in Your Child” (ấn bản tiếng Việt - “Con Cái Chúng Ta Đều Giỏi”). Những quyển sách của anh liên tục nằm trong danh mục sách bán chạy nhất toàn quốc và đã được dịch sang sáu thứ tiếng. Adam tốt nghiệp bằng danh dự ngành Quản trị kinh doanh ở trường Đại Học Quốc Gia Singapore (National University of Singapore - NUS). Thời sinh viên, anh đứng trong top 1% những sinh viên dẫn đầu trường và được nhận vào chương trình Phát Triển Tài Năng (Talent Development Program), một chương trình đào tạo những sinh viên tài năng của trường. Trong hơn 18 năm qua, anh đã đào tạo hơn 550.000 học sinh sinh viên, giáo viên, chuyên gia, nhân viên và chủ doanh nghiệp về việc phát triển tiềm năng cá nhân và đạt thành quả xuất sắc trong nhiều lĩnh vực. Thành công và thành tích đạt được của anh thường xuyên được đăng tải trên các phương tiện truyền thông trong khu vực như The Straits Times, The Business Times, The New Paper, Lianhe Zaobao, Channel News Asia, Channel U, Channel 8, Newsradio 938, The Hindu, The Malaysian Sun, The Star và thậm chí trên cả Đài truyền hình Quốc gia Brazil. Năm 2007, tạp chí “The Executive Magazine” đã xếp hạng Adam Khoo là một trong 25 người giàu nhất Singapore dưới tuổi 40. Tìm mua: Chiến Thắng Trò Chơi Cuộc Sống TiKi Lazada Shopee *** Nhiều người nghĩ rằng người trưởng thành nghĩa là một người đã đạt đến một độ tuổi nhất định nào đó trong cuộc sống. Tuy nhiên, đó là định nghĩa cổ điển về mặt sinh học. Trong xã hội hiện đại ngày nay, nếu một người có nhiều tuổi nhưng vẫn sống dựa vào người khác, vẫn không nỗ lực tự phấn đấu, vẫn ỷ lại, chây lười, ăn bám,... thì liệu có khác gì một đứa trẻ. Một người như thế không thể được coi là một người có kinh nghiệm sống và càng không thể được coi là một người trưởng thành, mà chỉ đáng được gọi là một đứa trẻ có nhiều tuổi. Kinh nghiệm sống và sự trưởng thành không phụ thuộc vào việc bạn đã sống bao lâu, mà phụ thuộc vào việc bao nhiêu năm qua bạn đã và đang sống như thế nào. Người trưởng thành là người: - Muốn làm chủ vận mệnh của mình, thay vì ỷ lại, chây lười, ăn bám, đổ lỗi cho số phận,... - Muốn hoàn thành tốt công việc của mình để có một sự nghiệp rạng rỡ. - Muốn biến những khó khăn thách thức thành cơ hội giúp mình thành công hơn. - Muốn giữ vững vị thế và lợi thế cạnh tranh trong một thời đại mà sự cạnh tranh đang trở nên ngày một quyết liệt hơn. - Muốn liên tục xây dựng và phát triển lòng tự trọng và sự tự tin của mình để ngẩng cao đầu mà sống. - Muốn vượt lên trên bản thân và làm chủ những cảm xúc bên trong một cách hiệu quả. - Muốn tạo ra vận may cho chính mình thay vì cầu mong vận may đến với mình. - Muốn gặt hái những kết quả đột phá trong nhiều khía cạnh của cuộc sống như: gia đình, sự nghiệp, địa vị xã hội, các mối quan hệ,... - Muốn có một cuộc sống không chỉ thành công mà còn hạnh phúc trọn vẹn. Nếu bạn mong muốn những thứ đó, chắc chắn bạn đã là một người trưởng thành cho dù bạn đang ở bất kỳ độ tuổi nào, thậm chí là một học sinh đi nữa, bởi vì thật sự có rất ít người đã biết mong muốn như trên ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Hơn thế nữa, một người trưởng thành không chỉ mong muốn, mà còn hành động. Hơn ai hết, những người trưởng thành hiểu rằng mong muốn suông thì rốt cuộc cũng chỉ là những giấc mơ mãi không thành hiện thực. Những người trưởng thành hành động và biết cách xem cuộc sống này như một trò chơi thú vị. Trong trò chơi ấy, có những người tham gia để thắng và cũng có rất nhiều người dường như "bị buộc phải tham gia", cho nên họ chỉ tham gia để "không bị thua". Nếu bạn là một trong số ít những người muốn chơi để thắng thì quyển sách Chiến Thắng Trò Chơi Cuộc Sống sẽ mang đến cho bạn những lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ. Bạn sẽ phát hiện ra rằng, bất kỳ ai cũng có thể trở thành người chiến thắng trong trò chơi cuộc sống - để xuất sắc trong công việc, tận hưởng những mối quan hệ tốt đẹp, dư dả về tài chính và hạnh phúc dài lâu. Chỉ cần bạn tìm hiểu và áp dụng chiến lược của những người trưởng thành như bạn nhưng đã thành công tột bậc trong cuộc sống. Nếu bạn mong muốn nhiều điều và khao khát chiến thắng, đã đến lúc phải hành động! Hãy để Chiến Thắng Trò Chơi Cuộc Sống là người bạn đồng hành cùng bạn trên con đường vươn lên.Dưới đây là những tác phẩm đã xuất bản của tác giả "Adam Khoo":Làm Chủ Tư Duy Thay Đổi Vận MệnhTôi Tài Giỏi Bạn Cũng ThếBí Quyết Tay Trắng Thành Triệu PhúBí Quyết Tay Trắng Trở Thành Triệu PhúChiến Thắng Trò Chơi Cuộc SốngCon Cái Chúng Ta Đều GiỏiBí Quyết Thành Công Dành Cho Tuổi TeenĐộc giả có thể tìm mua ấn phẩm tại các nhà sách hoặc tham khảo bản ebook Chiến Thắng Trò Chơi Cuộc Sống PDF của tác giả Adam Khoo nếu chưa có điều kiện.Tất cả sách điện tử, ebook trên website đều có bản quyền thuộc về tác giả. Chúng tôi khuyến khích các bạn nếu có điều kiện, khả năng xin hãy mua sách giấy.
Chicken Soup For The Soul - Tập 14: Quà Tặng Từ Trái Tim (Jack Canfield)
“Cuộc đời là một câu chuyện. Mục đích của mỗi một đời người là sống sao cho câu chuyện về họ trở thành nguồn cảm hứng và mang lại những cảm xúc mạnh mẽ cho người khác. Những câu chuyện có một sức mạnh kỳ diệu. Chúng cho phép ta nhìn lại bản thân mình trong mối tương quan với những người xung quanh. Chúng như những tấm gương phản ánh hành động của chính chúng ta thông qua hành động của người khác. Chúng giúp chúng ta nhận ra tài năng và phẩm chất của chính mình và đóng vai trò là người nhắc nhở trung thành để chúng ta có cách cư xử phù hợp. Những câu chuyện khuyến khích ta và giúp ta thực hiện những gì cần thiết để biến ước mơ của mình thành hiện thực. Chúng kích thích trí tưởng tượng của ta và lập ra các kế hoạch hành động. Cuộc đời là bộ sưu tập đa dạng những điều con người nói và hành động. Khi ta nghe những thông tin chính xác dựa trên các dữ liệu cụ thể, chúng ta không nhớ những thông tin mà chúng ta nghe một câu chuyện, chúng ta sẽ diễn giải rằng: “Nếu việc đó có thể xảy ra với họ thì một ngày nào đó nó cũng có thể xảy ra với mình”. Việc đọc một câu chuyện truyền cảm hứng sẽ đem lại cho ta niềm hy vọng về con người. Nó cho ta biết rằng những giấc mơ có thể trở thành hiện thực. Tôi đã tuyển chọn từng câu chuyện một trong tập sách này như một món quà đặc biệt dành tặng các bạn. Chúng tôi - những người cầm bút trên thế giới, dù nổi tiếng hoặc vô danh - đang cùng nhau tạo nên sự khác biệt. (Dan Clark)Dưới đây là những tác phẩm đã xuất bản của tác giả "Jack Canfield":Người Nam Châm - Bí Mật Của Luật Hấp DẫnChia Sẻ Tâm Hồn Và Quà Tặng Cuộc Sống - Tập 1Chia Sẻ Tâm Hồn Và Quà Tặng Cuộc Sống - Tập 2Chia Sẻ Tâm Hồn Và Quà Tặng Cuộc Sống - Tập 3Thiên Nhiên Liều Thuốc Nhiệm MàuCha - Điểm Tựa Đời ConNhững Nguyên Tắc Thành CôngChicken Soup For The Soul - Tập 6: Dành Cho Những Con Người Vượt Lên Số PhậnChicken Soup For The Soul - Tập 8: Những Tâm Hồn Cao ThượngChicken Soup For The Soul - Tập 11: Vượt Qua Thử Thách Đầu ĐờiChicken Soup For The Soul - Tập 13: Sống Với Ước MơChicken Soup For The Soul - Tập 15: Quà Tặng Tâm Hồn Dành Cho Tình YêuChicken Soup For The Soul - Tập 1: Chia Sẻ Tâm Hồn Và Quà Tặng Cuộc SốngChicken Soup For The Soul - Tập 3: Chia Sẻ Tâm Hồn Và Quà Tặng Cuộc SốngChicken Soup For The Soul - Tập 5: Dành Cho Những Tâm Hồn Không Bao Giờ Gục NgãChicken Soup For The Soul - Tập 7: Dành Cho Học Sinh Sinh ViênChicken Soup For The Soul - Tập 9: Vòng Tay Của MẹChicken Soup For The Soul - Tập 10: Dành Cho Những Tâm Hồn Bất HạnhChicken Soup For The Soul - Tập 12: Tìm Lại Giá Trị Cuộc SốngChicken Soup For The Soul - Tập 14: Quà Tặng Từ Trái TimDám Thành CôngChicken Soup For The Soul - Tập 4: Chia Sẻ Tâm Hồn Và Quà Tặng Cuộc SốngChicken Soup For The Soul - Tập 2: Chia Sẻ Tâm Hồn Và Quà Tặng Cuộc SốngSức Mạnh Của Tập TrungĐộc giả có thể tìm mua ấn phẩm tại các nhà sách hoặc tham khảo bản ebook Chicken Soup For The Soul - Tập 14: Quà Tặng Từ Trái Tim PDF của tác giả Jack Canfield nếu chưa có điều kiện.Tất cả sách điện tử, ebook trên website đều có bản quyền thuộc về tác giả. Chúng tôi khuyến khích các bạn nếu có điều kiện, khả năng xin hãy mua sách giấy.