Liên hệ: 0912 699 269  Đăng nhập  Đăng ký

Sổ Tay Chủ Nghĩa Khắc Kỷ (Jonas Salzgeber)

Có thể bạn đã tình cờ đọc được một câu trích dẫn tâm đắc của triết gia Khắc kỷ hoặc bạn đã đọc một bài báo về chủ nghĩa Khắc kỷ đầy cảm hứng. Có thể bạn đã được một người bạn nhắc đến triết lý tuy đã lâu đời nhưng vẫn hữu ích này; hoặc bạn đã nghiên cứu một hoặc hai cuốn sách về Chủ nghĩa Khắc kỷ. Hoặc có thể, mặc dù cơ hội là rất thấp, bạn thậm chí chưa bao giờ nghe nói về điều đó trước đây.

Tuy nhiên, thật dễ dàng để tiếp cận Chủ nghĩa Khắc kỷ theo cách này hay cách khác. Mặc dù vậy, để hiểu và giải thích chính xác nó là gì, là một chuyện khó khăn. Nhận biết và nhìn thấy mức độ liên quan của nó trong thời đại này cũng như cách nó có thể giúp ích cho bạn, là một chuyện đầy thách thức. Nắm bắt được tinh túy và mang nó vào thực tế, là một chuyện vô cùng tham vọng - Nơi cất giấu vàng chính là đây.

Những gì mà các nhà Khắc kỷ dạy và thực hành trong thời đại các đấu sĩ chiến đấu vì mạng sống của họ và trong thời kỳ chiến tranh của người La mã vẫn còn tính ứng dụng đáng kể trong thời đại ngày nay, thời đại của Facebook và Trò chơi Vương quyền (Games of Thrones). Sự uyên thâm của triết lý cổ đại này mang tính vượt thời gian, và nó chắc chắn sẽ giúp bạn đạt được một cuộc sống hạnh phúc và ý nghĩa.

Trong tay bạn là một bản đồ kho báu. Cuốn sách giới thiệu cho bạn những triết gia hàng đầu. Cuốn sách cung cấp cho bạn một cái nhìn tổng quan dễ hiểu về Chủ nghĩa Khắc kỷ. Cuốn sách dạy cho bạn những nguyên tắc cốt lõi. Cuốn sách đưa ra 55 Bài thực hành Khắc kỷ và những chỉ dẫn hữu ích để áp dụng trong cuộc sống đầy thử thách. Và quan trọng nhất, nó chỉ cho bạn cách biến lý thuyết thành hành động.

“Thật tuyệt vời! Nhưng làm thế nào để một người mới hai mươi tuổi đầu biết cách giải mã bản đồ kho báu Khắc kỷ cho cuộc sống tốt đẹp?” Thật lòng mà nói, nếu là tôi, tôi cũng sẽ thắc mắc về điều đó. Sau nhiều năm đi học, tôi chán ngấy việc đọc những cuốn sách và bài báo học thuật mà không thực sự dạy cho tôi bất cứ điều gì có giá trị trong cuộc sống thực. Vì vậy, ngay sau khi nộp bài luận cuối cùng, tôi rời đi và bắt đầu chuyến du lịch vòng quanh thế giới kéo dài 7 tháng. Tôi muốn đi xa, tôi muốn khám phá những địa điểm và nền văn hóa khác, nhưng chủ yếu là tôi muốn tìm hiểu về bản thân để biết mình muốn làm gì với cuộc đời mình khi trở về. Tôi không làm được điều đó, nhưng tôi lại phát hiện ra: “Tôi đã bỏ lỡ lớp học dạy về cách sống mất rồi?!” Tìm mua: Sổ Tay Chủ Nghĩa Khắc Kỷ TiKi Lazada Shopee

Trong mười lăm năm rưỡi đi học, tôi đã học toán, lý, hóa, sinh và nhiều thứ khác, nhưng đã không học được: Cách đối phó với những tình huống khó khăn? Làm thế nào để đối mặt với nỗi sợ hãi và những trăn trở? Phải làm gì với cảm giác trầm cảm của tôi? Làm thế nào để đối mặt với cái chết của bạn tôi? Phải làm gì với cơn giận của tôi? Làm thế nào để tự tin hơn? Tôi chắc đã bỏ lỡ tất cả các lớp học đó. Nhưng đó chính xác là những gì mà các trường học triết học đã dạy hồi xưa, những trường học đó dạy bạn cách sống. Và mặc dù những ngôi trường này không còn tồn tại nữa, bạn và tôi và hầu hết mọi người đều rất cần một triết lý dạy chúng ta cách sống như trong quá khứ.

Tóm lại, tôi quyết định đầu tư vào bản thân và học cách sống đúng đắn. Trong tất cả những kiến thức mà tôi “ăn” trọn được từ những năm sau đó, triết học Khắc kỷ đã giúp tôi nhiều nhất, mặc dù câu chuyện có khởi đầu không tốt đẹp lắm. Trước khi tôi biết nhiều (hay bất cứ điều gì) về triết học, tôi đã nghĩ đây phải là thứ nhàm chán nhất quả đất. Ý tôi là, suy cho cùng, nó được gọi là Chủ nghĩa Khắc kỷ chứ không phải “Chủ nghĩa Siêu nhân” hay một cái gì đó khác gây được sự tò mò.

Dù sao thì tôi cũng đã thử sức, đã bị cuốn hút, và kể từ đó tôi đã trở thành một học trò “phàm ăn” và là người thực hành triết học Khắc kỷ. Và mặc dù tôi đã đọc đi đọc lại vô số cuốn sách, tôi vẫn luôn thiếu nguồn cung cấp cái nhìn tổng quan giải thích đơn giản và chính xác Chủ nghĩa Khắc kỷ là gì. Vì vậy, tôi đã viết một bài báo để làm điều đó: Cung cấp một cái nhìn tổng quan về triết lý Khắc kỷ và cụ thể nó là gì. May mắn thay, nhiều người yêu thích bài báo và thấy nó vô cùng hữu ích - đến cái mức mà kẻ nào đó đã ăn cắp tất cả nội dung và bán nó như một cuốn sách của mình. Điều này đã thử thách tư duy Khắc kỷ của cá nhân tôi, mà dù sao thì tất cả đánh giá năm sao mà nó nhận được khiến cho tôi biết rằng mọi người thực sự muốn tìm hiểu về triết lý này.

Vì vậy mà tôi ở đây, say mê viết về những gì đã chiếm khá nhiều thời gian nghiên cứu và đúc kết từ triết lý tuyệt vời này. Tôi khẳng định rằng cuốn sách này sẽ đóng góp vào tư liệu Khắc kỷ hiện đại và quan trọng nhất là nó sẽ phục vụ bạn trên hành trình đi tìm một cuộc sống tốt đẹp. Bởi vì đó thực sự là những gì Chủ nghĩa Khắc kỷ đem lại: giúp bạn sống một cuộc đời tuyệt vời.

Bất cứ điều gì bạn đang trải qua, sẽ luôn có lời khuyên Khắc kỷ giúp ích cho bạn. Bất chấp tuổi đời của Triết lý Khắc kỷ, nội dung của nó thường mang lại cảm giác hiện đại và mới mẻ một cách đáng ngạc nhiên. Nó có thể giúp bạn có độ bền và sức mạnh cho cuộc sống đầy thử thách. Nó có thể giúp bạn trở nên kiên cường về mặt cảm xúc để bạn không bị khuấy động bởi các sự kiện bên ngoài và người khác sẽ không thể kích động bạn. Nó có thể dạy bạn kiềm chế và giữ bình tĩnh trong cơn bão cuộc đời. Nó có thể giúp bạn đưa ra quyết định và do đó đơn giản hóa đáng kể cuộc sống hàng ngày.

Seneca nói: “Kẻ nào đi học với một triết gia, thì nên học từ người đó một điều tốt đẹp mỗi ngày: hàng ngày anh ta nên trở về nhà trong một phiên bản hoàn thiện hơn, hoặc đang trở nên hoàn thiện hơn.” Thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ giúp bạn tự hoàn thiện bản thân; nó dạy bạn cách sống sao cho đúng với các giá trị đáng mơ ước như: lòng dũng cảm, sự kiên nhẫn, tính kỷ luật, sự trầm lặng, sự kiên trì, sự tha thứ, lòng tốt và sự khiêm tốn. Những mỏ neo này cho bạn sự vững chãi và những chỉ dẫn giúp bạn nâng cao sự tự tin.

Và bạn cũng có thể nhận được điều đó. Trên thực tế, triết học Khắc kỷ đã biến cuộc sống tốt đẹp trở thành mục tiêu có thể đạt được đối với mọi người, vượt qua cả các tầng lớp xã hội - bất kể bạn giàu hay nghèo, khỏe mạnh hay ốm yếu, được giáo dục tốt hay không, điều đó không ảnh hưởng gì đến khả năng sống tốt của bạn. Những người theo chủ nghĩa Khắc kỷ là bằng chứng sống động cho thấy việc một người bị đày ra đảo hoang và vẫn hạnh phúc hơn kẻ sống trong cung điện là một điều hoàn toàn khả thi. Họ hiểu rất rõ rằng mối liên kết giữa hoàn cảnh bên ngoài và hạnh phúc của chúng ta thực chất chỉ là mỗi liên kết lỏng lẻo.

Trong Chủ nghĩa Khắc kỷ, những gì bạn làm trong hoàn cảnh đó còn quan trọng hơn nhiều. Những người theo Chủ nghĩa Khắc kỷ nhận ra rằng cuộc sống tốt đẹp phụ thuộc vào sự phát triển phẩm chất, lựa chọn và hành động của một người; chứ không phụ thuộc vào những gì xảy ra trong thế giới không thể kiểm soát xung quanh chúng ta. Đây, những người bạn theo chủ nghĩa Khắc kỷ của tôi ơi, đây chính là gốc rễ của khía cạnh khó xơi và đồng thời rất hấp dẫn của Chủ nghĩa Khắc kỷ - nó khiến chúng ta phải chịu trách nhiệm và bỏ đi mọi lý do bào chữa cho việc chúng ta không sống một cuộc sống tốt nhất có thể.

Bạn và tôi, chúng ta chịu trách nhiệm về sự phát triển của chính mình. Chúng ta có trách nhiệm không để hạnh phúc của mình bị phụ thuộc vào ngoại cảnh - chúng ta không nên để một cơn mưa, những người lạ rất khó chịu hoặc một chiếc máy giặt bị rò rỉ quyết định đến hạnh phúc và sự khỏe mạnh của mình. Nếu không, chúng ta sẽ trở thành những nạn nhân bất lực với những hoàn cảnh ngoài tầm với. Là một học trò Khắc kỷ, bạn học được rằng chỉ có bạn mới có thể hủy hoại cuộc đời mình và chỉ bạn mới có thể từ chối để mình bị khuất phục bởi bất cứ thách thức đáng sợ nào trong đời.

Vì vậy, chủ nghĩa Khắc kỷ dạy chúng ta sống theo các giá trị đạo đức góp phần xây dựng sự bền bỉ trong cảm xúc, sự tự tin trong bình tĩnh, và xây dựng định hướng rõ ràng trong cuộc sống. Giống như một chiếc gậy chống cũ kỹ nhưng đáng tin cậy, nó là kim chỉ nam cho cuộc sống dựa trên lý trí chứ không phải là niềm tin, là kim chỉ nam hỗ trợ chúng ta theo đuổi sự tự chủ, bền trí và khôn ngoan. Chủ nghĩa Khắc kỷ khiến chúng ta trở thành những người tốt đẹp hơn và dạy chúng ta cách để trở nên xuất sắc trong cuộc sống.

Những bài tập tâm lý có tác động mạnh mẽ của nó khá tương đồng với những kỹ thuật hiện đã được chứng minh là có hiệu quả theo nghiên cứu khoa học có tên Positive Psychology (Tâm lý học Tích cực - ND). Tôi không nói là các nhà nghiên cứu đã ăn cắp ý tưởng, nhưng các bài tập được thảo luận trong Tâm lý học Tích cực lại khá tương đồng với các bài tập mà các nhà Khắc kỷ đã sử dụng hơn hai nghìn năm trước. Những nghiên cứu hiện đại lại giống với những gì mà các nhà Khắc kỷ đã dạy là điều khiến triết học này càng trở nên hấp dẫn hơn. Trên hết, chủ nghĩa Khắc kỷ không hề cứng nhắc, ngược lại rất cởi mở và đề cao sự thật. Như trong châm ngôn Latinh: “Zeno [người sáng lập Chủ nghĩa Khắc kỷ] là bạn của chúng ta nhưng Sự Thật còn là một người bạn vĩ đại hơn”.

Nếu quan sát xung quanh, chúng ta sẽ thấy vô số người theo đuổi giấc mơ về một ngôi biệt thự vàng, một chiếc Porsche 911 và một công việc lương sáu con số đô la, nhưng họ không thấy hạnh phúc hơn so với quá khứ với căn hộ ẩm mốc, chiếc xe cũ rỉ sét, và công việc rẻ mạt. Họ đang sống theo một công thức giống như sau: Nếu bạn làm việc chăm chỉ, bạn sẽ thành công và một khi bạn thành công, thì khi đó bạn sẽ hạnh phúc. Hoặc, nếu tôi hoàn thành / kiếm được / đạt được những thứ tương tự, thì tôi sẽ rất vui. Vấn đề duy nhất là gì? Công thức này bị sai. Và sau khi mất nhiều năm làm theo công thức trên, những người này lại tự hỏi: “Đây thực sự đã là tất cả những gì cuộc sống có thể đem đến rồi sao?”

Đáp án là không. Vấn đề là, nhiều người không cảm thấy hạnh phúc hơn khi họ già đi, họ cũng không cải thiện được gì. Họ sống vô tâm, không có định hướng rõ ràng, liên tục mắc phải những sai lầm tương tự, cũng không không tiến gần hơn đến cuộc sống hạnh phúc và ý nghĩa ở tuổi tám mươi.

Việc áp dụng một triết lý sống mang đến chỉ dẫn, định hướng và ý nghĩa lớn lao hơn trong đời nên là một quyết định hiển nhiên đối với nhiều người trong chúng ta. Nếu không có chiếc la bàn đó, bất chấp mọi hành động có thiện chí, chúng ta vẫn sẽ có nguy cơ chạy vòng tròn, đuổi theo những thứ vô giá trị và cuối cùng phải sống một cuộc đời không viên mãn ngập ngụa những đau khổ về cảm xúc, những hối tiếc và thất vọng. Và vì không cần quá nhiều nỗ lực để cho Chủ nghĩa Khắc kỷ cơ hội trở thành triết lý sống của bạn, bạn không những chẳng mất gì cả mà còn đạt được nhiều thứ.

Lời hứa của cuốn sách này cũng là lời hứa của triết học Khắc kỷ: Nó dạy cách sống một cuộc sống vô cùng hạnh phúc và trôi chảy suôn sẻ, cũng như cách duy trì điều đó ngay cả khi đối mặt với nghịch cảnh. Nó chuẩn bị cho bạn sẵn sàng cho bất cứ điều gì, bạn sẽ giống như một ngọn tháp của sức mạnh - không thể lay chuyển, kiên cố, bền bỉ về mặt cảm xúc, và bình tĩnh đến kinh ngạc ngay cả khi đang ở trong hoàn cảnh cùng cực.

Chủ nghĩa Khắc kỷ có thể cải thiện cuộc sống của bạn trong lúc đời vẫn tươi vui, nhưng chính trong thời điểm tồi tệ thì nó càng phát huy tính hiệu quả. Nó có thể là ánh sáng chỉ đường cho bạn vượt qua những khoảnh khắc tuyệt vọng tối đen như mực. Nó nắm lấy bàn tay của bạn khi bạn cần sự tự tin để giảm thiểu đau khổ bằng cách chế ngự những “kẻ xấu” như sự tức giận, sợ hãi và buồn đau. Nó có thể là bệ đỡ để bạn chạm đến sự bình yên khi đang ngập ngụa trong vũng lầy. Nó có thể là cột trụ vững chắc khi bạn cần can đảm hành động cho dù cơ thể đang run rẩy. Nó có thể là chú hề làm bạn trở nên tươi tỉnh và nở nụ cười trên môi - điều cần thiết nhất khi đó.

Tóm lại, chủ nghĩa Khắc kỷ không chỉ chỉ đường cho bạn mà còn trao cho bạn chìa khóa dẫn đến cuộc sống tốt đẹp. Tất cả những gì bạn cần làm là đi trên con đường này, cho chìa vào ổ khóa, rồi cứ thế mà bước vào. Vì vậy, nhà Khắc kỷ Epictetus đã hỏi, “Nhà ngươi sẽ đợi đến khi nào?”

“Ngươi sẽ chờ đợi đến lúc nào thì mới bắt đầu mong mỏi phiên bản tốt nhất của bản thân?” Giờ đã là một người trưởng thành, vậy mà sao vẫn còn trì hoãn, Epictetus tự nhắc mình. “Ngươi sẽ không thể nhận ra mình không có chút tiến bộ nào, ngươi sẽ sống và chết đi như một kẻ tầm thường.” Từ giây phút đó, ông nhắc nhở bản thân cũng như tất cả chúng ta, hãy sống như một người trưởng thành và đừng bao giờ trì hoãn những điều cần phải làm. Và bất cứ khi nào bạn gặp bất cứ điều gì khó khăn, hãy nhớ rằng bạn đang trong Thế vận hội Olympic, cuộc thi đã bắt đầu và bạn không thể chờ đợi thêm nữa.

Chúng ta không có quyền được hoãn việc rèn luyện của mình, bởi vì không giống như Thế vận hội Olympic, cuộc thi mà chúng ta tham gia mỗi ngày đã bắt đầu. Cuộc sống là ngay bây giờ, đã đến lúc chúng ta bắt đầu rèn luyện.

Rèn luyện theo chủ nghĩa Khắc kỷ cũng có chút giống với việc lướt sóng - lý thuyết ít và thực hành nhiều. Ngay bây giờ, bạn không thể chờ đợi để bắt đầu và bạn tưởng tượng mình đang đứng trên ván, lướt sóng đến hết đợt này đến đợt khác, tận hưởng khoảng thời gian tuyệt vời trong đời... Chờ đã, tôi phải ngăn bạn ngay tại đó. Bởi vì trong bài học lướt sóng đầu tiên, bạn cũng sẽ học được một số lý thuyết của việc lướt sóng. Trên đất khô, bạn thực hành cách chèo thuyền, bật người lên và đứng vững trên ván. Nói cách khác, bài học đầu tiên cũng hơi khó chịu đấy - bạn chỉ muốn lướt sóng thật, chứ không muốn học lý thuyết khô khan đó.

Bạn rồi cũng vượt qua phần lý thuyết một cách nhanh chóng và bạn có thể xuống nước, xả sạch cát trong miệng và bắt đầu thực hành. Ở dưới nước, bạn nhanh chóng nhận ra rằng điều đó không dễ dàng như vậy và phần lý thuyết thực sự cần thiết. Điều này cũng tương tự với chủ nghĩa Khắc kỷ. Bạn rồi sẽ lướt thành công trên những con sóng, nhưng nếu bạn muốn lướt thành công và không bỏ cuộc sau vài (nhiều) lần sặc nước, thì trước tiên bạn cần hiểu một số lý thuyết đằng sau việc lướt sóng... e hèm, hay đúng hơn là Chủ nghĩa khắc kỷ.

Tôi đã tìm cách sắp xếp cuốn sách này và trình bày những kiến thức lâu đời theo cách dễ tiếp cận, dễ tiêu hóa và có tính hiệu quả cao. Trong phần đầu tiên, bạn sẽ tìm hiểu về lời hứa của triết học, lịch sử của nó, các triết gia quan trọng, và về các nguyên tắc cốt lõi được trình bày dưới dạng Tam giác Hạnh phúc Khắc kỷ. Nghiên cứu tam giác đó và bạn có thể giảng lại cho một đứa trẻ năm tuổi. Phần thứ hai là tất cả những gì về lướt sóng; nó chứa đầy những lời khuyên và bài tập thực tế cho cuộc sống hàng ngày.

Với cách tiếp cận trực tiếp và thẳng thắn đối với Chủ nghĩa Khắc kỷ này, mục đích cuối cùng của tôi là giúp bạn có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Tôi tin rằng tất cả chúng ta đều có thể trở nên khôn ngoan hơn và hạnh phúc hơn một chút bằng cách thực hành triết lý tuyệt vời này.

Đã đến lúc để bắt đầu.

Độc giả có thể tìm mua ấn phẩm tại các nhà sách hoặc tham khảo bản ebook Sổ Tay Chủ Nghĩa Khắc Kỷ PDF của tác giả Jonas Salzgeber nếu chưa có điều kiện.

Tất cả sách điện tử, ebook trên website đều có bản quyền thuộc về tác giả. Chúng tôi khuyến khích các bạn nếu có điều kiện, khả năng xin hãy mua sách giấy.

Nguồn: thuviensach.vn

Đọc Sách

Zarathustra Đã Nói Như Thế (Friedrich Nietzsche)
Zarathustra đã nói như thế là tác phẩm chính yếu của Nietzsche. Vừa thơ ca, vừa triết lý, nó ở giữa trung tâm tư tưởng Nietzsche: chính trong Zarathustra đã nói như thế Nietzsche đã tuyên bố và ca tụng Siêu nhân. Nietzsche: một lưỡi gươm man dại chẻ đôi truyền thống tư tưởng Tây phương. Nietzsche: một quả bộc lôi nổ tung xuống đầu tôn giáo, đạo đức, thi ca, tư tưởng, nghệ thuật, triết học, siêu hình học, tâm lý học. Tên tuổi Nietzsche gieo rắc sợ hãi kinh hoàng cho những tâm hồn yếu đuối và đồng nghĩa với tàn bạo, vô luân, phi đạo đức, bệnh hoạn, ám ảnh, cô đơn, không thương xót, không tôn giáo, không tổ quốc, không nghề nghiệp, không bổn phận. Với những tâm hồn mang dòng máu Nietzsche, Nietzsche là một kẻ thánh hạnh dũng cảm, đem hết thịt da xương máu mình đổ dồn vào một tiếng thét lớn để đánh thức loài người (Heidegger), một kẻ tuẫn đạo chết giữa những điêu linh trần thế cho những đức hạnh còn chưa có tên gọi, một bậc Bồ-tát-Nghệ-sĩ (Bodhisattva-artist, Henry Miller). Đối với tất cả mọi người, cuộc đời Nietzsche, tư tưởng Nietzsche là một dấu hỏi bằng lửa, một “dấu hỏi khủng khiếp” đặt ra cho hai ngàn năm truyền thống Tây phương (Eugen Fink). Nietzsche thuộc dòng dõi các triết gia Hy Lạp tiền Socrate, tư tưởng bằng thi ca, tư tưởng nhập thể hoá thân thành thi ca để đồng vọng lại những lời vô ngôn của một Cõi Miền lồng lộng còn đang khép kín. Với Nietzsche, khởi sinh một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của những triết gia "triết lý với cây búa”; cây búa của Nierzsche đập đổ tàn phá, lời lẽ của Nietzsche nổ tung càu náu, để trên những hoang tàn tan nát đó vụt hiển hiện một Bình Minh mới cho nhân loại, trong đó con người được giải phóng khỏi đạo đức cựu truyền: Kẻ Vô Luân, giải phóng khỏi những “chân lý”: Tinh thần Tự do, giải phóng khỏi hiểm hoạ vĩ đại nhất thế kỷ: hư vô chủ nghĩa. Con người được giải phóng khỏi hư vô chủ nghĩa là một con người mang bộ mặt rạng rỡ hoà quang tinh khô của một thiên thần mới hiện, một kẻ cất cao tiếng cười lồng lộng giữa bầu trời mây trắng, một kẻ đã vượt qua loài người, một Siêu Nhân. Zarathustra là tên của kẻ tiên tri tiên báo cho sự xuất hiện của mẫu người mới ấy. Zarthustra đã nói như thế vẽ lại hành trình tâm linh băng qua tầng trời cô đơn thứ bảy, tầng trời cô đơn tối hậu, của một kẻ tiên phong, với những hoan lạc, đắm say, cám dỗ, chiến đấu, thất bại, hoài nghi ngây ngất, để mở ra cho loài người một khả tính mới, một hy vọng mới, hát cho loài người nghe một bài ca mới. Loài ngưòi đang sống trong thời “tiền sử”, chưa có một nhân loại đích thực với những giá trị trinh tân; trước mặt con người là sa mạc, sau lưng là hư không. Phải làm những gì để phôi dựng một Nhân Loại Mới trong buổi hoàng hôn dài dặc hiện nay? Tìm mua: Zarathustra Đã Nói Như Thế TiKi Lazada Shopee Sa mạc lớn dần: khốn thay cho kẻ nào ôm giữa sa mạc! Những kẻ ôm giữ sa mạc ấy có tên là Buddha? Jésus Christ? Héraclite? Khổng Tử? Nguyễn Du? Nietzsche? Dostoievski? Van Gogh? Rimbaud? Hoelderlin? Heidegger? Krishnamurti? Henry Miller?... Có kẻ nào đã vuợt qua được bến bờ bên kia của sa mạc để nở cho nhân loại một nụ cười tĩnh lặng không mây?Độc giả có thể tìm mua ấn phẩm tại các nhà sách hoặc tham khảo bản ebook Zarathustra Đã Nói Như Thế PDF của tác giả Friedrich Nietzsche nếu chưa có điều kiện.Tất cả sách điện tử, ebook trên website đều có bản quyền thuộc về tác giả. Chúng tôi khuyến khích các bạn nếu có điều kiện, khả năng xin hãy mua sách giấy.
Vài Nét Sơ Lược Về Sự Phát Triển Của Triết Học Trung Hoa (Nguyễn Hiến Lê)
Trong bộ Hồi kí, cụ Nguyễn Hiến Lê cho biết đôi điều về bộ Đại cương triết học Trung Quốc (ĐCTHTQ) như sau: “Do tôi đề nghị và phân công: ông Giản Chi lãnh phần Vũ trụ luận (II) và Tri thức luận (III), tôi vốn thích cái gì cụ thể, thực tiễn, lãnh phần Nhân sinh luận (IV), Chính trị luận (IV). Vì công việc của tôi dễ hơn của ông Giản Chi, nên tôi lãnh thêm phần I: Vài nét sơ lược về sự phát triển của triết học Trung Hoa, và phần VI: Tiểu sử các triết gia; hai phần sau này đều ngắn. Toàn bộ gồm hai cuốn: Thượng trên 800 trang và Hạ gần 900 trang. In cả chữ Hán, để riêng ở cuối mỗi cuốn. “Công việc này rất mệt. Tôi thú thực nếu không có ông Giản Chi thì tôi không dám mạo hiểm vào. Chúng tôi tra cứu tất cả các sách Trung triết bằng Hoa ngữ, Việt ngữ và Pháp ngữ mà chúng tôi kiếm được, nhất là bộ Trung Quốc triết học đại cương của Vũ Đồng mà ông bạn Tạ Trọng Hiệp ở Paris kiếm cho được. “Sự hợp tác với ông Giản Chi rất thú vị, chúng tôi làm việc đều siêng năng, cẩn thận, biết dung hoà ý kiến với nhau, học thêm được của nhau. “Chúng tôi theo Vũ Đồng, trình bày triết học Trung Hoa theo chiều ngang chứ không theo chiều dọc, nghĩa là chia thành từng vấn đề chứ không từng thời đại, từng môn phái. Cách trình bày đó rất mới mẻ ở nước ta (mà cũng ít thấy ở Trung Hoa). Nhưng ở đầu bộ chúng tôi cũng thêm một phần tóm tắt lịch sử triết học Trung Hoa, phần này dài trên 100 trang (có thể in riêng vào loại sách phổ thông như loại Que sais je? ở Pháp), và ở cuối bộ lại thêm một phần nữa về tiểu sử mỗi triết gia, như vậy sửa được cái khuyết điểm của lối trình bày theo chiều ngang, mà giữ được cái ưu điểm là dễ tra cứu khi muốn tìm hiểu về một vấn đề nào. Tìm mua: Vài Nét Sơ Lược Về Sự Phát Triển Của Triết Học Trung Hoa TiKi Lazada Shopee Bộ ĐCTHTQ gồm hai cuốn, cuốn Thượng do nhà Cảo Thơm xuất bản năm 1965, cuốn Hạ cũng do nhà này xuất bản năm 1966. Bộ này, theo như cụ cho biết, “được giới trí thức hoan nghênh, chính phủ tặng giải nhất Văn chương toàn quốc, ngành biên khảo”. Sau hoàn thành việc “học để viết” bộ ĐCTHTQ trong hai năm, cụ Nguyễn Hiến Lê “nhân đà đó tiến sâu thêm về Trung triết” và cụ đã viết thêm trên mười cuốn nữa về triết học thời Tiên Tần, trong đó có vài cuốn viết chung với cụ Giản Chi. Một trong các qui tắc tự học của cụ Nguyễn Hiến Lê là học cái khái quát trước, rồi sau đó mới tìm hiểu sâu hơn. Cụ bảo: “Nhưng có điều này ít độc giả nhận thấy. Trong mỗi môn chính, mới đầu tôi viết một hai tác phẩm dễ hoặc khái quát, rồi ít lâu sau tôi trở lại, mở rộng thêm, đào sâu hơn. Như vậy chính là do khuynh hướng tự học của tôi: biết cái cốt yếu đã rồi sau đi vào chi tiết. Và đó cũng là một sự nhất trí trong cách tôi làm việc”. (…) Về Triết học Trung Quốc cũng vậy, mỗi ngày tôi đào sâu thêm. Mới đầu là Nho giáo một triết lí chính trị, một cuốn tổng quát về tư tưởng chính trị của Khổng, Mạnh; rồi tới Đại cương triết học Trung Quốc, một bộ cũng tổng quát về triết học Trung Hoa từ thượng cổ tới cuối Thanh. Sau tôi chuyên về triết học thời Tiên Tần, khảo cứu đời sống và tư tưởng từng triết gia một. Đầu năm 1975, tôi đã cho ra được Nhà giáo họ Khổng, Mạnh Tử, Liệt Tử và Dương Tử, đã viết xong mà chưa in Trang Tử, khởi sự viết chung với Giản Chi về Tuân Tử và Hàn Phi thì miền Nam được giải phóng. Từ năm 1976 tới nay, tôi đã viết xong Lão Tử, Mặc học, Khổng Tử, Luận ngữ, Kinh Dịch, như đã nói”. Tuy trong những cuốn viết sau, có đôi chỗ cụ Nguyễn Hiến Lê nhận định không còn giống như lúc viết bộ ĐCTHTQ này nữa, hoặc có nhiều câu chữ Hán được cụ dịch lại, nhưng trong Hồi kí, như đã dẫn ở trên, cụ bảo rằng Phần I: Vài nét sơ lược về sự phát triển của triết học Trung Hoa là “có thể in riêng vào loại sách phổ thông như loại Que sais je? ở Pháp”, nghĩa là cụ cho rằng phần này vẫn hữu ích, cho nên tôi chép lại dưới đây để chúng ta có cái nhìn tổng quan về Trung triết, và cũng là để cho chúng ta tiện tham khảo khi đọc các cuốn cụ viết riêng hoặc viết chung với cụ Giản Chi về triết học Trung Quốc thời Tiên Tần. Tôi chép theo bản của nhà xuất bản Thanh Niên, cuốn 1, in năm 2004, từ trang 19 đến trang 167. Nguyên văn chữ Hán của các câu trích dẫn đều được in ở cuối sách, trong ebook này, tôi đặt chữ Hán ngay sau phiên âm.Dưới đây là những tác phẩm đã xuất bản của tác giả "Nguyễn Hiến Lê":Kinh Dịch - Đạo Của Người Quân Tử7 Bước Đến Thành CôngĐắc Nhân TâmMạnh TửSống 365 Ngày Một NămMột Lương Tâm Nổi LoạnRèn Nghị Lực Để Lập ThânSống ĐẹpKhổng Tử Và Luận NgữGiải Nghĩa 64 Quẻ Kinh DịchBảy Ngày Trong Đồng Tháp MườiHồi Ký Nguyễn Hiến LêNhững Vấn Đề Của Thời ĐạiRèn Luyện Tình CảmTrang Tử Nam Hoa KinhÝ Cao Tình ĐẹpBảy Bước Đến Thành CôngDạy Con Theo Lối MớiGương Chiến ĐấuGương Hy SinhHàn Phi TửLiêt Tử Và Dương TửNghề Viết VănSăn Sóc Sự Học Của Con EmSử Trung QuốcTổ Chức Gia ĐìnhVài Nét Sơ Lược Về Sự Phát Triển Của Triết Học Trung HoaĐường, Tống Bát Đại GiaLão Tử Đạo Đức Kinh - Nguyễn Hiến LêGương Kiên NhẫnCon Đường Thiên LýĐộc giả có thể tìm mua ấn phẩm tại các nhà sách hoặc tham khảo bản ebook Vài Nét Sơ Lược Về Sự Phát Triển Của Triết Học Trung Hoa PDF của tác giả Nguyễn Hiến Lê nếu chưa có điều kiện.Tất cả sách điện tử, ebook trên website đều có bản quyền thuộc về tác giả. Chúng tôi khuyến khích các bạn nếu có điều kiện, khả năng xin hãy mua sách giấy.
Triết Học Tây Phương Từ Khởi Thủy Đến Đương Đại (Bernard Morichère)
Bộ tập hợp quyển triết văn này nhằm gửi đến tất cả những ai mà quá trình học tập khiến họ quan tâm đến các bản văn triết học: những học sinh lớp cuối cấp Trung học, các lớp dự bị Đại học cũng như các sinh viên khoa Văn & Triết. Sách cũng nhằm hướng đến mọi đối tượng độc giả có mong muốn mở rộng văn hoá trong một lĩnh vực mà sự đào tạo ban đầu chưa cho phép họ truy cập hoặc đào sâu đầy đủ. Mục đích của tác phẩm này - Không muốn chỉ đơn thuần là một tập hợp những bản văn - là giới thiệu tính đa dạng của tư tưởng triết lý một cách rộng rãi nhất, từ khởi thuỷ đến đương đại, trong sự tôn trọng tính đa nguyên của các học thuyết và các trào lưu đã tạo nên dòng tư tưởng nhân loại. Triết học là một mà cũng là nhiều và chính sự đa dạng trong nhất tính này (cette persité dans l’ unité) đã mang lại vẻ toàn mãn phong phú cho triết học. Nhằm mục đích đó, chúng tôi muốn, trong khi vẫn trang trọng dành cho các tác giả - minh chủ (auteurs-phares) và các bản văn kinh điển (textes canoniques) của lịch sử triết học, vị trí xứng đáng mà truyền thống vẫn dành riêng cho họ, mở rộng khuôn khổ các bản văn đến những tác giả và những trào lưu tư tưởng, và những thời đại mà các giáo trình thông thường ít dành chỗ và nhiều khi, chẳng dành cho một chỗ đứng nào. Chính theo cách ấy mà tất cả một thời kỳ trải dài từ đầu thời Trung cổ (Boèce) cho đến cuối thời Phục hưng (Galilée), nghĩa là khoảng mười thế kỷ triết học thường bị lặng lẽ bỏ rơi cho một số ít chuyên gia, đã tìm lại vị trí triết học cho dòng chảy liên tục từ Thượng cổ. Cũng thế, chúng tôi muốn rằng những trào lưu tư tưởng thường chỉ được khảo sát sơ lược hay bất toàn, chẳng hạn như các chủ thuyết duy vật hiện đại, hay là, ở cực kia, triết học Pháp của thế kỷ mười chín, thoát thai từ Kant hay từ Maine de Biran, sẽ được giới thiệu kỹ lưỡng hơn trong hợp tuyển này. Chúng tôi cũng quyết tâm sao cho nền triết học phân tích của Anh, ít được biết đến tại Pháp, được quyền hiện diện chính đáng, trong tư tưởng thế kỷ hai mươi. Còn đối với một số tác giả, như Grotius, mà ngày nay những người không chuyên môn hầu như chẳng hề biết đến, thế nhưng tầm quan trọng đối với triết học chính trị của các thế kỷ mười bảy và mười tám, là rất đáng kể. Hay như Jacobi, mà Kant không nề hà chọn làm đối thủ của mình, là những thí vụ về những ý hướng của chúng tôi muốn phục hồi phẩm giá cho vài tên tuổi lớn mà chỉ những sử gia triết học còn lưu giữ hoài niệm. Rất nhiều trong số những bản văn này - hầu như tất cả những bản văn liên quan đến thời Trung cổ và thời Phục hưng, cũng như nhiều bản văn thời Thượng cổ được cập nhật hoá một cách khoa học, đã được dịch hay dịch lại bởi các chuyên gia đặc trách về từng thời kỳ - Đối với những bản văn triết học Đức, chúng tôi cũng dụng công như thế, Tìm mua: Triết Học Tây Phương Từ Khởi Thủy Đến Đương Đại TiKi Lazada Shopee Có hai nguyên lý hướng dẫn công trình của nhóm chúng tôi, mà cả hai đều không phải là không có những ngoại lệ. Nguyên lý thứ nhất hệ tại ở chỗ tự giới hạn vào những tác gia triết học, loại trừ lãnh vực khoa học nhân văn. Vậy nên xin bạn đọc đừng ngạc nhiên khi thấy vắng bóng một vài tên tuổi lớn, rất quen thuộc với công chúng. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn bảo lưu một số văn bản - chẳng hạn của Freud, một tác gia vẫn được coi là triết gia - nơi một cách đặt vấn đề thực sự triết lý hiện diện rõ ràng, bởi sự thực là biên giới giữa cái gì là triết lý (le philosophique) với cái gì là phi - triết lý (le non - philosophique) đôi khi cũng khó phân biệt cho rạch ròi. Nguyên lý thứ nhì tệ hại ở chỗ nhận cái trật tự biên niên sử trong việc trình bày các tác gia. Trật tự này có ưu thế là cho phép độc giả định vị dễ dàng các tác gia trong dòng thời gian. Nó cũng chỉ giúp cho tác phẩm độc lập với những khái niệm được hàm chứa trong các chương trình học tập và những biến cải có thể tác động đến chúng. Cuối cùng trật tự này tạo thành một thứ lịch sử triết học qua triết văn. Tuy nhiên trật tự này không phải là không đem lại điều bất tiện. Kiểu trình bày biên niên tạo ra tính bất liên tục nó che giấu tính liên tục nằm ở chỗ tầng sâu hơn của những trào lưu tư tưởng, đôi khi khiến cho các triết gia cách xa nhau trong thời gian lại rất gần gũi nhau trong tư tưởng. Để tránh điều bất tiện chính yếu này, đôi khi chúng tôi cũng tự cho phép tuỳ tiện một chút đối với kiểu biên niên thuần tuý. Chẳng hạn,việc tôn trọng nghiêm ngặt tính biên niên sẽ buộc phải để Maine de Biran ngồi giữa Fichte và Hegel. Nhưng kiểu trật tự này sẽ phá vỡ không chỉ tính thống nhất của trào lưu sau Kant mà còn phá vỡ tính liên tục đã dẫn dắt tư tưởng duy linh của Pháp từ Maine de Biran đến Bergson. Vậy nên trật tự được chọn nhận là một kiểu thoả hiệp giữ tính biên niên và sự tôn trọng - có tính thiết yếu trong mắt chúng tôi - đối với một thứ lô-gích riêng của lịch sử triết học. Cuối cùng, để soi sáng cho độc giả về những trường phái và những thời kỳ triết học, chúng tôi đã đặt ra một số những cột mốc (Thượng cổ, Trung cổ, Phục hưng, Hiện đại…) đánh dấu những tuyến lớn trong triết học. Người ta cũng sẽ tìm thấy trong tác phẩm này, những tập hồ sơ liên quan đến lịch sử tư tưởng (Việc Kiểm soát trí thức ở thời Trung cổ - Khoa học huyền bí vào thế kỷ 16) và lịch sử Khoa học. (Những lý thuyết về bản chất của ánh sáng trong thế kỷ 17, 18). Thực vậy, nếu các triết gia đọc của nhau - có khi hiểu rõ, có khi không hiểu rõ lắm - thì họ cũng đọc những thứ khác hơn là triết học. Những bản văn triết quy chiếu về Triết học và kể cả những cái không phải là triết học, được phác thảo một cách triết lý, nghĩa là thuần khái niệm (conceptuellement). Những tập hồ sơ về lịch sử tư tưởng và lịch sử Khoa học tìm cách soi sáng cái bên ngoài đó của triết học mà dầu muốn hay không triết gia vẫn luôn luôn giữ một mối quan hệ khá là lập lờ. Đối với mỗi tác giả, người đọc sẽ gặp một tiểu sử ngắn, và một thư mục gói gọn những tác phẩm chính của vị ấy và vài công trình nghiên cứu phê bình. Các tác phẩm quan trọng trở thành đối tượng của những chú thích giới thiệu ngắn gọn. Các bản văn trích tuyển được mở đường bằng một đoạn dẫn nhập ngắn nhằm khai mở đối tượng và cách đặt vấn đề của đoạn văn đó. Một vài biên chú hoặc cước chú đã được dự trù nhằm giúp cho việc đọc hiểu được thuận lợi hơn. Ở cuối mỗi bản văn và đôi khi đề xuất một hay nhiều tham chiếu đến các thời gian khác và các bản văn khác. Những tham chiếu này không hề có nghĩa là một đồng nhất tính giữa khái niệm của bản văn đang bàn và những khái niệm của bản văn mà những tham chiếu này nêu lên cho độc giả lưu ý. Như Eric Weil đã viết, lịch sử triết học là lịch sử việc chuyển di những khái niệm. Như vậy người ta sẽ không tìm thấy được một khái niệm chung cho hai triết gia, nhưng luôn luôn vẫn hữu ích cho việc suy tư khi nêu lên mối quan hệ giữa các ý niệm, gần gũi nhau hay đối lập nhau, và nắm bắt được sự khác biệt để khoanh vùng chính xác hơn ý nghĩa của những gì ta đọc. Chính trong tinh thần đó mà người ta phải sử dụng những tham chiếu tác phẩm mà chúng tôi đã nêu ra. Đưa cả hai mươi lăm thế kỷ triết lý vào chỉ trong khoảng 1200 trang quả là một sự đánh cược táo bạo. Chúng tôi lấy làm tiếc phải từ chối không cho phép hiện diện trong quyển sách này một số bản văn có thể giúp chúng ta thấy rõ hơn bước tiến hoá tư tưởng của một triết gia. Muốn mở rộng tối đa tác phẩm đến tính hiện đại nên thường khi chúng tôi đành phải giới hạn ở mức mỗi tác giả một vài bản văn mà thôi (ngoại trừ đối với một số tác giả - minh chủ như Platon, Aristote, Descartes, Kant, Hegel, Husserl, Heidegger v.V…) Thêm một lần nữa, người ta lại thấy ở đây sự thoả hiệp giữa những yêu cầu triết lý và những ràng buộc của thực tế. Cuối cùng chúng tôi muốn nhắc nhở món nợ tinh thần mà mọi người đọc - tất nhiên là kể cả chúng tôi - đều mang ơn đối với việc làm vô cùng hữu ích và đáng giá của các sử gia lớn của Triết học, những người bảo lưu di sản triết văn, theo kiểu diễn tả của Henri Gouhier, một trong những triết sử gia lỗi lạc nhất. Là những luận sư (commentateurs) của các bản văn lớn, trước tiên họ cũng phải là những triết gia. Họ thường suy tư một cách triết lý về lịch sử triết học. Dầu không hiện diện trong hợp tuyển này, điều này cũng không nên khiến cho chúng tôi quên công việc tuy âm thầm lặng lẽ mà có giá trị rất đáng kể của họ. "Tất cả những gì quí thì cũng khó và hiếm", Spinoza đã viết như thế ở cuối quyển Đạo đức học. Chẳng có một bản triết văn nào lại dễ đọc cả. Chẳng có một bản triết văn nào để cho ta dễ dàng đi vào, không cần phải cố gắng động não. Nhưng người đọc nào chấp nhận cố gắng đó sẽ cảm thấy được tưởng lệ bởi niềm vui chưa bao giờ lỡ hẹn trong cuộc hành trình tìm đạt tri kiến. Niềm vui đó, khi dần thân vào cuộc nghiên cứu riêng tư sẽ còn được tài bồi bởi bao niềm mãn nguyện khác. Niềm vui đó cũng còn được chia sẻ trong những cuộc tranh luận tự do. Thay vì, giam mình trong cuộc độc thoại, những bản triết văn mở ra cho một hội sống tinh thần và chỉ trở nên sinh động qua cuộc sống đó.Bernard Morichère.Độc giả có thể tìm mua ấn phẩm tại các nhà sách hoặc tham khảo bản ebook Triết Học Tây Phương Từ Khởi Thủy Đến Đương Đại PDF của tác giả Bernard Morichère nếu chưa có điều kiện.Tất cả sách điện tử, ebook trên website đều có bản quyền thuộc về tác giả. Chúng tôi khuyến khích các bạn nếu có điều kiện, khả năng xin hãy mua sách giấy.
Triết Học Kant (Trần Thái Đỉnh)
Cuốn sách Triết học Kant của TS. Trần Thái Đỉnh được xuất bản lần đầu tiên năm 1969, NXB Nam Chi Tùng Thư, Sài Gòn; sau đó sách được Nxb Văn Mới, Sài Gòn, tái bản lần thứ nhất năm 1974. Triết học Kant vẫn ảnh hưởng một cách sâu sắc đến các trào lưu tư tưởng hiện đại. Có thể nói không quá đáng rằng không hiểu Kant thì không thể hiểu thấu đáo Hegel (1770-1831), Marx (1818-1883), Heidegger (1889-1976) và Claude Lévi-Strauss (1908-2009). Kant đã làm con người tỉnh giấc mơ tiên, biết mình không phải là thần thánh, mà là người; biết mình là hữu thể hữu hạn chứ không phải là hiện thể tuyệt đối. Trước Kant, chúng ta đã có 2 lần bắt đầu trong lịch sử triết học (lần thứ nhất với Socrate với mục tiêu “Anh hãy hiểu biết chính bản thân mình”, đi qua các đời Platon, Aristote rồi trải qua mười mấy thế kỷ trong đêm trường Trung cổ, triết học đã ngủ giấc ngủ giáo điều trong thân phận nữ tỳ của thần học; lần thứ hai với Descartes đưa triết học vào hẻm cụt của thuyết Duy tâm - thuyết đã gán cho con người những khả năng mà con người không có được, sau đó là Locke và Hume, triết học thoát khỏi giấc ngủ giáo điều nhưng lại đi vào một ngõ cụt khác: đó là thuyết Duy cảm, Duy nghiệm - đối lập với thuyết Duy tâm) và phải đến lần thứ 3, với Kant, triết học mới thật sự đi vào đúng hướng của nó, “Vậy phải bắt đầu lại từ đầu. Phải bắt đầu lại với Kant.” - Jacques Derrida. Theo Kant, một nền triết học nghiêm chỉnh là phải hướng về những vấn đề cơ bản của con người. Kant đặt vấn đề với chính khả năng tư tưởng của con người, cụ thể ông tự đặt cho triết học phê bình của ông 4 câu hỏi: 1. Tôi có thể biết gì? 2. Tôi phải làm gì? 3. Tôi được phép hy vọng gì? và 4. Con người là gì? Kant dành quyển Phê phán Lý tính thuần túyđể trả lời câu hỏi thứ nhất; quyển Phê phán Lý tính thực hành (Đạo đức học) - then chốt và chính yếu trong 3 cuốn Phê phán làm nên tòa nhà tư tưởng triết học Kant - để trả lời câu hỏi thứ hai; và, trong các tác phẩm tương đối ngắn về triết học lịch sử và triết học tôn giáo để trả lời câu hỏi thứ ba. Quyển Phê phán năng lực phán đoán (Mỹ học và Mục đích luận) là “cầu nối” quan trọng giữa cả ba câu hỏi với tầm quan trọng đặc biệt về hệ thống lẫn về nội dung. Câu hỏi thứ 4 là tất cả triết học của Kant: triết học về con người. Tuy chưa thể đi sâu vào phần triết học pháp quyền, triết học lịch sử, triết học tôn giáo, nhưng với việc trình bày cô đọng nhưng không kém cặn kẽ về ba quyển "Phê phán chủ yếu", tác giả đã cho ta một cái nhìn khá bao quát về triết học Kant - thứ triết con người bị cắt xé giữa tinh thần và thể xác, giữa lý trí và cảm giác. Và mục đích chính của Kant không phải là tri thức, mục đích của Kant là quy về vấn đề con người. Tất cả chỉ là vấn đề con người mà thôi.Độc giả có thể tìm mua ấn phẩm tại các nhà sách hoặc tham khảo bản ebook Triết Học Kant PDF của tác giả Trần Thái Đỉnh nếu chưa có điều kiện.Tất cả sách điện tử, ebook trên website đều có bản quyền thuộc về tác giả. Chúng tôi khuyến khích các bạn nếu có điều kiện, khả năng xin hãy mua sách giấy.