Liên hệ: 0912 699 269  Đăng nhập  Đăng ký

Chim Việt Nam - Hình Thái Và Phân Loại 2 Tập [PDF]

Trước đây, tại Việt Nam đã có một số công trình nghiên cứu về chim - do các cá nhân hoặc nhóm tác giả trong nước và quốc tế thực hiện, nhưng cuốn “Chim Việt Nam” (dày 1.200 trang) thực sự là ấn phẩm giới thiệu hoàn chỉnh nhất về khu hệ chim Việt Nam nói riêng và thế giới các loài chim nói chung, là tư liệu hữu ích trong việc nghiên cứu, giảng dạy và học tập.

Trên thế giới hiện biết được có 10.964 loài chim - thuộc 36 bộ, 243 họ. Còn trong cuốn sách nói trên của cặp tác giả Võ Quý - Nguyễn Lân Hùng Sơn, thể hiện “dung nhan” của 906 loài chim (tính đến năm 2015) hiện biết có tại Việt Nam - kết quả nghiên cứu công phu qua nhiều năm của 2 nhà khoa học này.

Ở Việt Nam, dù đã được thiên nhiên ban tặng một sự đa dạng sinh học cao với nhiều loại rừng, nhiều hệ sinh thái tự nhiên và nhiều tài nguyên quý giá, nhưng bởi nhiều nguyên nhân (trong đó có phần tác động của con người) nên nhiều loài sinh vật, cả động vật lẫn thực vật, đã giảm nhanh số lượng, hoặc đã bị diệt vong, trong vài thập kỷ qua.

Với 906 loài chim hiện biết ở Việt Nam, được miêu tả trong cuốn “Chim Việt Nam”, mỗi loài đều ẩn chứa nhiều sự quyến rũ không chỉ là vẻ sặc sỡ của bộ lông vũ, tiếng hót lảnh lót, du dương mà còn cả những câu chuyện về tập tính kỳ lạ của chúng. Với những bức ảnh màu minh họa (được trích xuất từ nhiều nguồn), người đọc có thể nhận diện được vẻ đẹp của nhiều loài chim mà không dễ gì gặp được ở ngoài tự nhiên.

PGS-TS Nguyễn Lân Hùng Sơn sinh năm 1976, là Trưởng Khoa Sinh học (ĐH Sư phạm Hà Nội), Phó Chủ tịch Hội Sinh thái học Việt Nam. Vẻ đẹp lộng lẫy của các loài chim đã mê hoặc ông ngay từ thời sinh viên. Với sự dẫn dắt của người thầy, nhà bảo tồn thiên nhiên và môi trường tiên phong của Việt Nam - GS Võ Quý, ông đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu chim ở Việt Nam.

Không chỉ dừng ở việc công bố các công trình khoa học liên quan đến khu hệ chim Việt Nam, ông còn góp phần truyền lửa cho các thế hệ sinh viên, cao học, nghiên cứu sinh và cả cộng đồng về niềm đam mê nghiên cứu và bảo tồn thiên nhiên nói chung và các loài chim hoang dã nói riêng. Theo ông, để mọi người yêu thiên nhiên, thì phải cho mọi người được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thiên nhiên và từ đó sống thân thiện với thiên nhiên, với động vật hoang dã và tạo nên tình người.

Ông Đặng Ngọc Sâm Thương sinh năm 1969, tốt nghiệp ĐH Bách khoa Đà Nẵng, mê khám phá thiên nhiên hoang dã. Những bức ảnh về chim Việt Nam qua góc nhìn của ông được chộp bắt rất kỳ công, đều tựa như những tác phẩm nghệ thuật tuyệt đẹp, thu hút sự chiêm ngưỡng của những người yêu thiên nhiên, yêu cái đẹp.

Với việc ra mắt cuốn “Chim Việt Nam”, các tác giả đã tạo dựng được một công trình nghiên cứu khoa học quý, đồ sộ, đồng thời góp phần truyền đi thông điệp kêu gọi công chúng chung tay bảo vệ sự đa dạng sinh học để cuộc sống phát triển bền vững.

Nguồn: dantocking.com

Đọc Sách

Nỗi lòng Đồ Chiểu - Phan Văn Hùm
Minh-mạng nguyên-niên, nhằm năm canh-thìn, chiếu tây-lịch 1820, Tả-quân Lê văn Duyệt nhậm Gia-Định Tổng-trấn lần thứ hai. Lần này, nơi văn-hàn-ty của Tổng-trấn có viên Thơ-lại thanh-niên, ở kinh-đô mới bổ vào, tên là Nguyễn-đình Huy. Sinh ở xã Thương-an, Trung-kỳ, ngày hai-mươi-chín tháng chạp năm nhâm-tý (9-2-1793), bấy giờ Nguyễn-đình-Huy hai-mươi-bảy tuổi. Người đã có vợ, có hai đứa con rồi. Hoặc vì đường xa con thơ, hoặc vì Nam-kỳ đất mới, hoặc nữa vì sự hiếu-dưỡng người để vợ con ở lại quê nhà, mà thui-thủi một mình nơi quán khách.Hai-mươi-bảy tuổi ! « Chừng xuân tơ liễu còn xanh, nghĩ sao cho thoát khỏi vành ái-ân ? » Huống-chi quê người bóng chiếc, lại nghiệp phong-lưu, sóng gió lòng xuân đã đành xao-xuyến dễ.Nguyễn-đình Huy thú thiếp ở Sài-gòn.Lứa đôi này sẽ hiến cho việt-văn-giới một tay kỳ-sĩ : ngày bính-thân, mười-ba tháng năm, năm nhâm-ngũ (1-7-1822) Nguyễn-đình-Chiểu ra đời.Nguyễn-đình Chiểu sinh tại đâu, trong thế-phổ của họ Nguyễn-đình không thấy chép. Duy chép rằng Trương Thị Thiệt (mẹ của Đình Chiểu) sinh năm canh-thân (1800) là người ở thôn Tân-thới, tỉnh Gia-định.Thôn Tân-thới đích-xác ở nơi nào, thì hiện nay chưa khảo ra được. Duy biết Sài-gòn xưa gồm những bốn-mươi thôn, kể từ rạch Thị-nghè vô tới Chợ-lớn. Trong những thôn ấy nhiều thôn lấy tên có chữ « Tân » đứng đầu. Như thôn Tân-khai, là chỗ thành-lũy xưa, ở trong vòng đường Pasteur (Pellerin cũ), đường Nguyễn Du (Taberd cũ), đất thánh tây… chạy xuống tới sông Sài-gòn ; như thôn Tân-an ở Đất-hộ, nay còn đình Tân-an ; như thôn Tân-lộc ở sau trường J. Jacques Rousseau (Chasseloup Laubat cũ) ; như thôn Tân-vĩnh ; bên Khánh-hội ngày nay ; như thôn Tân-thạnh, khỏi Cầu-kho ; như thôn Tân-kiển, ở chợ Hòa-bình ; như thôn Tân-châu ở nhà thương Chợ-quán.Xem như thế, thì thôn Tân-thới chắc là một thôn ở tại Sài-gòn. Vả lại khi bà Trương thị Thiệt mất thì chôn tại phường Tân-triêm, theo như thế-phổ của họ Nguyễn-đình chép lại. Mà phường Tân-triêm xưa, là ở vùng Cầu-kho bây giờ 1. Thế thì không chừng thôn Tân-thới cũng ở gần đâu lối đó, nếu không phải là ở tại đó.Nay có thể tạm nhận Nguyễn-đình Chiểu là người thôn Tân-thới 2 như mẹ của tiên-sinh. Còn thôn Tân-thới thì ở trong vòng Sài-gòn, thuộc huyện Bình-dương, phủ Tân-bình, tỉnh Gia-định.Nguyễn-đình Chiểu sinh ra, không phải là ở nhà quan to, vì chức Thơ-lại mà cha tiên-sinh dưới triều Minh-mạng chỉ đến chánh-bát phẩm là cùng. Dầu vậy mặc dầu, tiên-sinh cũng là sinh ra trong nhà có tước-vị ở triều-đình, tất cũng là một cậu ấm như ai, thì có thể sung-sướng suốt đời, nếu không có những tai-biến dồn-dập tới.Đời cậu ấm của Nguyễn-đình Chiểu sung-sướng vừa được mười năm, thì quốc biến xảy ra làm thành gia biến. Năm 1832, Lê văn Duyệt mất (25-8 nhằm 30 tháng bảy năm nhâm-thìn), qua 1833 Lê Văn Khôi dấy loạn giết Bố-chánh Bạch xuân Nguyên và Tổng-đốc Nguyễn văn Quế, rồi chiếm lấy thành Sài-gòn. Quan quân nhà Nguyễn ở Gia-định không đầu « ngụy » đều mất địa-vị cả. Nguyễn-đình Huy phải trở lại thường dân.Nếu phải tin theo lời một người con của Nguyễn-đình Chiểu là ông Nguyễn-đình Chiêm thì Nguyễn-đình Huy ở kinh-đô sung chức Đốc-bạ, bỏ đi Gia-định thăng đến Án-sát-sứ lúc Lê văn Khôi khởi loạn. Trốn được về triều người bị tước chức, bấy giờ mới giả dạng cải trang trở vô Sài-gòn, thăm vợ con, rồi rước Nguyễn-đình Chiểu ra Huế, gởi-gắm cho một người bạn làm Thái-phó ở Triều, để theo điếu-đãi hầu-hạ mà học-tập văn-chương.Nếu ta giở lịch-sử triều Nguyễn ra xem, thì thấy Án-sát-sứ ở Gia-định lúc Lê văn Khôi dấy loạn là Nguyễn chương Đạt, chớ không phải là Nguyễn-đình Huy, người xã Hưng-đình, huyện Bồ-điền, phủ Thừa-thiên, như ông Nguyễn-đình Chiêm vì nghe lầm hoặc vì nhớ lầm đã nói cho ông Lê thọ Xuân chép trong tạp-chí Đồng-Nai số tháng 1 và 2 năm 1933. Vả lại, trong quyển Nguyễn-chi thế-phổ, chính tay Nguyễn-đình Huy soạn ra, hồi tháng hai năm quí-sửu (tháng 4-1853), và hiện nay còn để tại nhà ông Nguyễn-đình Chiêm ở làng Mỹ-chánh, quận Ba-tri, thì nơi bài tựa thấy ký là : « Nguyên Tả-quân văn-hàn-ty Thơ-lại Dương Minh Phủ ». Dương Minh Phủ tức là tự của Nguyễn-đình Huy.Năm 1853, ấy là hai-mươi năm sau việc Lê văn Khôi dấy loạn. Nếu đã có làm đến Án-sát-sứ, thì Nguyễn-đình Huy không có lẽ gì không ký là « Nguyên Án-sát-sứ » mà lại chỉ để chức Thơ-lại mà thôi.Dầu đã làm đến chức chi đi nữa, thời điều chắc, là sau khi thành Sài-gòn đã về tay Lê văn Khôi rồi, Nguyễn-đình Huy cũng phải mất địa-vị, lẩn-lúc trong đám thường dân.Ta không rõ hồi đó, có tội với Triều-đình, thì người ở mãi lại Sài-gòn với bà vợ thứ, hay là có về quê nhà. Nhưng trong Nguyễn-chi thế-phổ thấy chép rằng bà chánh-thất chỉ có hai người con, một người trai là Nguyễn-đình Lân và một người gái là Nguyễn thị Phu. Còn bà vợ thứ thì sinh những bốn người con trai và ba người con gái, mà con trưởng là Nguyễn-đình Chiểu, rồi tới Thị Thục, Thị Nữ, Thị Thành, Đình Tựu, Đình Tự và Đình Huân.Người con trai út này sinh ngày 11-4-1841, nghĩa là tám năm sau khi Lê văn Khôi dấy loạn. Còn như việc dề tựa cho quyển Nguyễn-chi thế-phổ năm 1853, như trên kia đã nói, thì là việc Nguyễn-đình Huy có thể làm bất kỳ là ở đâu. Ta không thể căn-cứ vào đó mà quả quyết rằng cho đến năm 1853 người còn ở tại Sài-gòn. Nhưng mà nếu hỏi người ở đâu cho đến ngày qua đời, thời ta không sao trả lời được, vì trong thế-phổ của họ Nguyễn-đình không thấy chép người mất về năm nào và chôn ở nơi nào.Ta không thể nào theo dấu Nguyễn-đình Huy, nay hãy theo dấu con người là Nguyễn-đình Chiểu. Nhưng mà ở đây cũng chỉ có lời khẩu-truyền của ông Nguyễn-đình Chiêm, là người con của Nguyễn-đình Chiểu, còn sống lại sau hơn hết (ông qua đời ngày 2-8-1935).
Phê bình văn học - Thế hệ 1932
Ấn phẩm “Phê bình văn học thế hệ 1932” của tác giả Thanh Lãng được nhà xuất bản Phong Trào Văn Hoá ấn hành lần đầu tiên năm 1972. Ấn bản đang được lưu giữ ở Quán sách Mùa Thu trọn bộ 2 cuốn. Sách có tình trạng rất tốt, bìa gốc, lõi sách và gáy sách đều rất đẹp.  Để biên soạn được bộ sách này, Thanh Lãng đã để ra gần 15 năm làm việc với bốn năm thư ký. Ông cho biết, thời gian trước đó, nói đến Lịch sử Phê bình Văn học ở Việt Nam, người ta mới chỉ dựa vào các sách Phê bình đã xuất bản mà chưa đi tìm các bài phê bình còn nằm rải rác trên khắp các báo xuất bản từ năm 1932 đến năm 1945. Tác giả đã để ra 15 năm trời để đọc và trích tất cả các bài phê bình in rải rác trên các báo xuất bản từ năm 1932 đến năm 1945. Rồi từ đó, trình bày cho học trò, các sinh viên Ban Văn chương Việt Nam trường Đại học Văn khoa Sài Gòn, một cái nhìn tổng quát về sinh hoạt phê bình văn học suốt 13 năm, từ 1932 đến năm 1945 kèm theo đầy đủ tài liệu. Với tất cả các tờ báo, ông đã phân tích tỉ mỉ, ghi nhận xem có bao nhiêu biên tập viên, đường lối, chính sách của mỗi tờ báo, rồi trích tuyền các bài cần trích tập hợp lại trong bộ sách này. Bộ sách này gồm có 04 phần: Lịch sử NỀN PHÊ BÌNH VĂN HỌC VIỆT NAM thế hệ 1932- 1945. Lịch sử NỀN TIỂU THUYẾT VIỆT NAM thế hệ 1932- 1945. Lịch sử NỀN THI CA VIỆT NAM thế hệ 1932- 1945. Lịch sử NỀN SÂN KHẤU VIỆT NAM thế hệ 1932- 1945. 
Tiếng Việt mến yêu
Tủ Sách Bạn ĐườngTiếng Việt Mến Yêu Quyển 1-Mỹ Từ PhápNXB Lâm Viên 1955Kiêm Đạt64 TrangFile PDF-SCAN
Tục ngữ lược giải - Lê Văn Hòe
Kỳ thi Sơ-học khóa 1952 đầu-đề bài luận là « Ăn vóc học hay ». Kỳ thi nhập học lớp đệ-thất trường Trung-học Chu văn-An niên khóa 1952-53 đầu đề bài luận là « Tham thì thâm » và « Đói cho sạch rách cho thơm ». Sự tìm hiểu tục-ngữ đã trở nên cần thiết cho anh em học-sinh. Sách Tục-Ngữ Lược-Giải, trong hai tháng ấn-hành hai lần, được anh em hoan nghênh là phải.Song nhiều người tỏ ý phàn-nàn : Tục-Ngữ Lược-Giải mỏng quá, chứa được có hơn 200 câu.Chúng tôi cũng thấy thế. Nên cho ra tập thứ nhì này để bổ túc cho tập thứ nhất.Tập này gồm hơn 300 câu, cộng với tập thứ nhất, hiến anh em học-sinh non 600 tục-ngữ thường dùng. Đối với rừng tục-ngữ nước nhà con số tuy còn nhỏ-nhặt song bằng ấy tài-liệu cũng đã có thể giúp ích anh em, khả dĩ làm anh em vững tâm trước những đề luận về tục-ngữ.Hoặc ít ra thì đó cũng là tham-vọng và mục-đích của chúng tôi khi cho ra hai tập Tục-Ngữ Lược-Giải.L.V.H.2-9-52***Tục ngữ ta, nhiều câu rất khó hiểu. Khó hiểu hoặc vì lời quá vắn-tắt, hoặc vì ý bỏ lửng giữa chừng, hoặc vì chữ dùng quá cổ.Không những anh em thanh-niên học-sinh, ngay người lớn chúng ta, nhiều khi cũng không khỏi lúng túng trước ý-nghĩa một vài câu tục-ngữ.Vốn yêu-chuộng quốc-văn, quốc-học, chúng tôi chú-trọng đến tục ngữ Việt-Nam đã từ lâu.Và trong khoảng những năm 1937, 1938 trên các báo Việt-báo, Việt-Cường ngoài Bắc, Công-Luận trong Nam, tôi đã có dịp giải-thích ý-nghĩa một số tục-ngữ.Rồi sau, trải qua nhiều địa-phương, xúc-tiếp với nhiều nghề-nghiệp, những điều tai nghe mắt thấy cùng những kinh-nghiệm bản thân đã giúp chúng tôi hiểu thêm một số tục-ngữ cần phải giải-thích.Nay nhân thấy câu tục-ngữ « Ăn vóc học hay » đầu bài luận thi Sơ-học vừa qua, đã làm nhiều thí-sinh phải cắn bút, chúng tôi liền nẩy ra cái ý-định đem cái kết-quả sưu-tầm, nghiên-cứu tục-ngữ, trong mấy năm nay cống-hiến anh em thanh-niên và các nhà trí-thức, các bậc giáo-sư, dùng làm tài-liệu tham-khảo trong cái giờ nghị luận hoặc giảng văn, may giúp ích một phần nào cho việc học quốc-văn chăng ?Dĩ-nhiên là sách này chỉ giải-thích sơ-lược đại-ý mà thôi, không đi sâu vào lai-lịch hay điển-cố các tục-ngữ.Và cũng không phải là giải-thích hết thẩy các tục-ngữ Việt-nam, mà chỉ giải nghĩa những câu cần phải giải nghĩa, và tác-giả đã tìm thấy nghĩa.Những điều tai nghe mắt thấy, những kinh-nghiệm, hiểu biết của một người, dù sao cũng chưa thể đầy đủ được. Những khuyết-điểm sai lầm trong sách, nếu có, chúng tôi mong được các bậc cao-minh sẵn lòng chỉ-giáo cho.Hà-nội ngày 6 tháng 6 năm 1952LÊ-VĂN-HÒE