Liên hệ: 0912 699 269  Đăng nhập  Đăng ký

Con Đường Đi Đến Thành Công Bằng Sự Tử Tế (Inamori Kazuo)

Xã hội những năm gần đây, những vụ án tồi tệ liên tục xảy ra: đánh tráo thực phẩm, che giấu sản phẩm lỗi, kết toán ảo... đến chuyện lập quỹ đen, các sự thật đáng buồn liên tiếp bị lộ tẩy về những người được gọi là công bộc của dân; rồi ở gia đình thì đầy các vụ án bi thảm... Và trước những chuyện như vậy hẳn sẽ nghe đâu đó tiếng thở dài “rồi đất nước này sẽ về đâu?”.

“Rồi đất nước này sẽ về đâu?”, bạn có biết đó là lời thở dài của một con người, mà theo nhiều thước đo hiện đại là mẫu người thành công - Inamori Kazuo, người sáng lập Công ty Kyocera, Công ty KDDI, nguyên chủ tịch Japan Airlines. Người đàn ông 75 tuổi này phải nói lên những lời đau buồn ấy trong lời nói đầu của tập sách Con đường đi đến thành công bằng sự tử tế, như lý giải lý do ông tha thiết muốn viết cuốn sách này. Tác giả chỉ ra nguyên nhân “chính tâm hồn đang ngày càng lụn bại đã làm người Nhật xấu xí đi. Và nó cũng là nguyên nhân chính tạo nên sự hỗn loạn trong xã hội Nhật ngày nay”. (Lời giới thiệu của Tuổi Trẻ)

Thông qua cuốn sách Con đường đi đến thành công bằng sự tử tế, tác giả Inamori Kazuo - Nhà sáng lập Hãng điện tử khổng lồ Kyocera, Hãng điện thoại KDDI, nguyên Chủ tịch Hãng Japan Airlines - mong muốn độc giả có thể tìm thấy con đường phải đi sau khi được tiếp xúc với những lời vàng ngọc của võ sĩ “samurai chân chính cuối cùng” Saigo Takamori.

Về tác giả

Inamori Kazuo tốt nghiệp ngành Kỹ sư Hóa học Ứng dụng Trường Đại học Kagoshima. Năm 1959, ông thành lập Công ty Kyoto Ceramic (Công ty Kyocera ngày nay) và đảm nhiệm chức Chủ tịch HĐQT, từ năm 1997 thì giữ chức Chủ tịch danh dự. Năm 1984, ông thành lập Công ty Daini Denden (Công ty KDDI ngày nay) và giữ chức Chủ tịch HĐQT, từ năm 2001 thì trở thành Cố vấn danh dự. Cũng trong năm 1984, ông thành lập quỹ Inamori, sáng lập giải thưởng Kyoto (vốn được xem là phiên bản Nhật của Giải thưởng Nobel) để biểu dương những người có thành tích cống hiến cho sự phát triển, tiến bộ xã hội của nhân loại. Ông còn là Hiệu trưởng Trường Seiwajyuku - nơi hội tụ các doanh nhân trẻ. Tìm mua: Con Đường Đi Đến Thành Công Bằng Sự Tử Tế TiKi Lazada Shopee

Inamori Kazuo có nhiều đầu sách được dịch và xuất bản tại Việt Nam. Hầu hết sách của ông trình bày những kinh nghiệm sống, kinh nghiệm kinh doanh và chia sẻ về những suy nghĩ làm người chân chính.

Nội dung chính

Con đường đi đến thành công bằng sự tử tế chứa đựng nội dung “2 trong 1”: triết lý kinh doanh của nhà lãnh đạo tài ba hàng đầu Nhật Bản Inamori Kazuo, và tư tưởng làm người mẫu mực của võ sĩ samurai chân chính bậc nhất nước Nhật thời Minh Trị Duy Tân Saigo Takamori.

Inamori Kazuo nhận định, di huấn của Saigo (được ghi chép lại trong cuốn Nanshu O I kun - quyển sách gối đầu giường của Inamori Kazuo) - chính là chân lý hướng dẫn con người đối đầu với những khổ đau, phiền muộn mà không né tránh, để rồi từ đó có cách ứng xử phù hợp, sống đúng đắn ở đời.

Chương 1: Vô tư

Tôi gặp được di huấn của Saigo sau khi sáng lập Kyocera 10 năm. Công ty lúc ấy phát triển rất nhanh và lên sàn chứng khoán, nhưng trong lòng tôi đầy bất an, vì chỉ cần sai lầm trong một quyết định kinh doanh thì Công ty sẽ đối mặt với nguy cơ phá sản, nhân viên và gia đình họ sẽ mất miếng cơm manh áo, ngoài ra còn có trách nhiệm với cổ đông. Đúng lúc đang mệt mỏi và đầy lo toan đó, tôi bị hút vào những lời răn dạy của Saigo.

Tôi đã xúc động trước một Saigo phủ định tuyệt đối lợi ích cá nhân, rằng “người lãnh đạo không được chen tư tâm vụn vặt”. Nếu nghĩ đến vai trò nắm giữ cuộc sống của nhiều nhân viên thì người lãnh đạo phải chấp nhận đánh mất cá nhân mình mà làm việc, lao động thật nhiều với ý thức mình là người phục vụ công ty. Khi tư tâm của người đứng đầu xuất hiện cũng là lúc công ty gặp khó khăn.

Nhờ lời răn của Saigo, tôi xác nhận được lòng tin với mình. Tôi thề sẽ không áp dụng chế độ “cha truyền con nối”, không để bà con ruột thịt kế tục, thậm chí không để họ hàng máu mủ đứng vào hàng ngũ lãnh đạo. Tư tưởng “vô tư” đó có thể bị cho là vô tình, lạnh lùng, nhưng để đứng đầu một tập thể thì đây là điều kiện bắt buộc.

Saigo còn để lại lời dạy rằng, “không được mua ruộng đất tốt cho con cháu”. Những người chỉ chăm chăm làm tăng tài sản (gia sản cá nhân hay cho dòng tộc) sẽ không thể điều hành chính đạo một cách công bằng. Đây là bài học “vô tư” cụ thể nhất, để con cháu có cách sống đúng đắn. Tức cái “tư”, cái “riêng” phải hoàn toàn được đặt qua một bên. Điều này thật trái ngược với tình cảm tự nhiên của con người. Thế nhưng Saigo đã trải qua bao nhiêu gian khó nên đã cứng rắn, quyết không phản lại lời thề ấy. Người làm lãnh đạo phải có ý chí như Saigo.

Sau khi khởi nghiệp, thu được thành công và lên sàn chứng khoán, các nhà lãnh đạo trẻ lập tức bán cổ phiếu của mình ra thị trường để thu lợi nhuận. Nếu may mắn, họ sở hữu hàng trăm triệu yen ở độ tuổi ba mươi. Nhưng chẳng biết lúc nào một người thành công như vậy sẽ tụt dốc, thất bại.

Chúng ta đã chứng kiến nhiều trường hợp như vậy. Đó là vì thành công đã khơi dậy “tư tâm” và kéo theo sự tụt dốc không phanh. Phần lớn các nhà kinh doanh hễ lên sàn thì bán cổ phần cá nhân để thu được nguồn vốn lớn và xem như là chuyện thường tình. Kết quả là người lãnh đạo giàu có hơn nhưng nguồn tài chính của công ty chẳng những không giàu lên mà còn thiếu vốn đầu tư vào việc kinh doanh mới, từ đó đánh mất cơ hội tăng trưởng lần hai khi lên sàn.

Năm 1971, khi Kyocera lên sàn, nhiều công ty chứng khoán mời chúng tôi tham gia giao dịch. Tôi có thể chọn 1 trong 2 cách: bán cổ phần người sáng lập sở hữu ra thị trường hoặc phát hành cổ phiếu mới bán ra thị trường. Cách thứ nhất mang lợi nhuận vào túi cá nhân người sáng lập, cách thứ hai mang lợi nhuận về công ty. Tôi đã chọn cách thứ hai để mọi tiền vốn thu được đều đổ vào công ty. Nhờ đó, Kyocera có điều kiện xây dựng cơ sở hạ tầng, kinh doanh ổn định, tổ chức đầu tư…

Càng thành công, thăng tiến, chúng ta càng phải khiêm tốn, càng phải thu mình lại, hy sinh cái tôi. Nếu không có dũng khí chấp nhận vai trò thiệt thòi nhất thì không thể làm lãnh đạo. Người không có dũng khí hy sinh cái tôi mà đứng bên trên thì những người bên dưới không thể hạnh phúc. Đây là chân lý vượt thời đại, vượt tầm quy mô tổ chức. Dù trong thời nào, công ty dù nhỏ hay lớn, điều kiện tiên quyết của người làm lãnh đạo là “vô tư”.

Chương 2: Thử thách

Nghịch cảnh là cơ hội để chúng ta nhìn lại mình và giúp ta trưởng thành. Hãy xem nghịch cảnh là cơ hội tốt để lập chí mạnh mẽ, đối mặt với nó một cách dũng cảm. Chính nhờ thử thách mà quyết tâm được tựu thành.

Thử thách không chỉ đơn thuần là khổ nạn. Thành công cũng chính là thử thách. Cho dù đạt được thành công và hạnh vận nhất thời, chúng ta cũng không được kiêu căng ngạo mạn, không đánh mất lòng khiêm tốn, tiếp tục nỗ lực không ngừng. Người lãnh đạo trở nên mất kiểm soát không phải lúc việc kinh doanh sa sút, mà là lúc kinh doanh thuận lợi. Thử thách dành cho người lãnh đạo là phải luôn thận trọng, hành xử đúng đắn, tránh xa hoa, không lãng phí, âm thầm lao động, chuyên tâm làm việc để làm gương. Nếu nhân viên không thấy cảm động trước thái độ làm việc của giám đốc thì mệnh lệnh ban ra khó được thi hành.

Những lãnh đạo thông thường thường lui về phía sau, cân nhắc chiến lược, kế hoạch kinh doanh. Nhưng khi Kyocera còn là một công ty nhỏ, tôi đã nghĩ rằng nên tự mình xung phong ra phía trước, chỉ huy cấp dưới và dẫn dắt họ. Đương nhiên, đã là lãnh đạo thì cần phải nghĩ đến chiến lược, chiến thuật. Cho nên, khi thì ra “tiền tuyến” vui buồn cùng “chiến sĩ”, khi thì rút lui về “trận địa” phía sau để lên kế hoạch tác chiến, đi đi lại lại giữa “tiền tuyến” và “hậu phương”, toàn tâm chỉ huy “trận mạc” chẳng phải là người lãnh đạo tuyệt vời sao?

Người đứng đầu công ty phải có được 2 mặt mâu thuẫn thật uyển chuyển: “độc đoán và hòa hợp”, “mạnh và yếu”, “lạnh lùng và nồng ấm”. Nếu chỉ có tinh thần lãnh đạo mạnh mẽ sẽ dẫn đến tình trạng mất kiểm soát, trở nên độc tài. Nếu chỉ có sự khiêm tốn, sẽ thiếu lực kéo để công ty phát triển lớn mạnh. Nếu mạnh mẽ quá sẽ gây phản ứng trong nhân viên, khiêm tốn quá lại khiến nhân viên xem thường. Điều hòa những mâu thuẫn đó và sử dụng nó như thế nào sẽ quyết định thành công hay thất bại của một đời người hay việc kinh doanh của một doanh nghiệp.

Chương 3: Lợi tha

Chỉ cần mỗi người gọt bớt lòng tham của mình, chịu tổn thất một chút, hay chỉ cần chúng ta dũng cảm nhường chút lợi của mình cho người khác, mọi việc sẽ suôn sẻ, trôi chảy. Tránh xa ham muốn, mài giũa lòng thành, cống hiến cho người. Đó chính là phương thuốc cho thời đại, là triết học để mọi người sống đúng đắn, là đạo đức chân chính.

Chỉ cần thay đổi “lợi kỷ” (chỉ biết có mình) sang “lợi tha” (vì người khác, vì nhân viên, vì xã hội), ta sẽ có được sự tin tưởng và cộng tác từ những người xung quanh, lúc đó dù là công việc hay trong đời sống, mọi việc chắc chắn sẽ tốt đẹp.

Chúng ta luôn nghĩ cách sao cho có lợi nhất đối với việc kiếm tiền của mình, nhưng thật ra không nên vậy. Như nhà tư tưởng, triết gia Ishida Baigan đã nói: “Người kinh doanh thực thụ phải nghĩ về khách hàng và nghĩ về mình”, tức là phải kiếm tiền thế nào mà khách hàng/đối tác cũng cảm thấy vui. Đây là lời giáo huấn sắc bén, đỉnh cao trong kinh doanh.

Chương 4: Đại nghĩa

Đại nghĩa của Kyocera được xác lập dựa trên nền tảng không vì tư lợi hay ham muốn cá nhân của một người lãnh đạo mà vì nhân viên, vì mọi người. Chính vì có đại nghĩa mang tên “quan niệm công ty” này, mọi người trong Kyocera cùng dốc sức, đoàn kết, sáng tạo, tạo nguồn động lực để phát triển.

Tư tưởng của Saigo mà tôi luôn đề cập triệt để là “Kính Thiên Ái Nhân” (Kính trọng Trời Đất, yêu thương con người), và tôi lấy những lời này làm phương châm của Kyocera. “Kính trọng Trời Đất” là sống tốt, sống thật đúng với đạo lý tự nhiên, đạo lý làm người, có nghĩa là “thông suốt, quán triệt những điều đúng đắn với tư cách làm người”. Còn “yêu thương con người” là bỏ hết tâm tư, tư dục cá nhân, sống với trái tim biết nghĩ đến người khác, vì cái lợi cho người khác. Tôi theo phương châm này mà lèo lái công ty và chưa từng lầm đường lạc lối.

Phần đông người ta thường thất bại trong việc dấn thân, thử thách, mở ra sự nghiệp mới, chỉ có một số ít trong khoảng chừng một nắm tay là thành công. Tôi tin rằng yếu tố quyết định thành bại là trái tim trong sáng, không tư lợi.

Chương 5: Đại kế

Người lãnh đạo hay giám đốc công ty phải tạo ra tầm nhìn rõ ràng trong 10 năm, 20 năm và chỉ ra cho nhân viên thấy. Ấy vậy mà nhiều người may mắn được lên chức giám đốc sau thời gian “sống lâu lên lão làng” chỉ muốn củng cố nhiệm kỳ 2 năm, 4 năm bằng cách “kế thừa phương châm của người tiền nhiệm”.

Đương nhiên, việc kế thừa phương châm của người đi trước không có gì xấu, nếu đó là tầm nhìn tương lai rõ ràng. Nhưng nếu nó mang tính triển vọng hay mơ hồ thì việc đầu tiên phải làm trên cương vị giám đốc mới là trình bày phương châm của mình thật rõ ràng rằng “tôi muốn dẫn dắt công ty này theo hướng như vậy”. Bởi giám đốc thay đổi mà công ty không thay đổi thì thật kỳ cục. Nếu công ty không thay đổi gì so với thời người lãnh đạo ấy làm chuyên môn, trưởng phòng hay phó giám đốc thì việc người ấy trở thành giám đốc chẳng có ý nghĩa gì.

Chương 6: Giác ngộ

Trong điều di huấn thứ 30, Saigo có nói: “Đối xử với người không cần tính mạng, không cần danh vọng, không cần cả quan vị, tiền tài rất khó. Nếu không có những con người “lớn” như thế sẽ không đạt được thành công”. Bản thân ông là người vô tư, không cần tính mạng, danh vọng, quan vị, tiền tài, nghĩa là người đã xa rời lòng tham.

Với người có lòng tham chỉ cần cho tiền, cho chức tước thì điều khiển họ rất dễ dàng, nhưng với những người không tham, không thể lay chuyển bằng những toan tính thiệt hơn thì rất khó điều khiển. Vậy ta sẽ lay chuyển những người như vậy bằng gì? Đó là “thành, nhân, nghĩa”. Nếu không phải là những người như vậy thì không thể cùng nhau chinh phục khó khăn.

Từ thời trẻ, tôi đã rất thích quan điểm này của Saigo. Tự bản thân tôi không thành người như vậy được nhưng tôi thường tự nhắc mình và cố gắng đạt được như vậy. Và tôi cũng đã nghĩ cần phải có những người vĩ đại như vậy để cùng nhau làm nên sự nghiệp.

Chương 7: Vương đạo

Nội chính hay ngoại giao, căn bản là đi con đường đúng đắn. Nếu chúng ta dùng đối sách để đánh gục đối thủ, hẳn sẽ phải đón nhận đòn đau tương tự. Nếu dùng sức mạnh, sẽ bị người xa lánh. Nếu đối mặt mà dò hỏi thái độ, sắc mặt đối phương, sẽ không nhận được lòng tin. Nếu chúng ta cương quyết giữ vững lập trường đúng đắn, sẽ xây dựng được mối quan hệ tin cậy.

“Chính đạo” mà Saigo nói không phải là con đường đúng đắn với riêng nước Nhật, với riêng cá nhân nào mà là con đường đúng đắn không hổ thẹn với Trời Đất và lương tâm làm người. Toàn thế giới với bao nhiêu điều khác biệt vẫn có những điểm chung. Đó là chính nghĩa, công minh, công bằng, bác ái, thành thật… tức những giá trị tinh thần của một con người, là đạo đức.

Chương 8: Lòng thành

Saigo luôn nghĩ trái tim chân thành của con người là thứ quan trọng nhất và ông tự mình mài giũa lòng thành để làm gương. Cho đến nay, những điều răn dạy đó vẫn còn nguyên vẹn giá trị. Tôi cực kỳ tin tưởng rằng trái tim trong sáng, không bị phụ thuộc vào những ham muốn, toan tính thiệt hơn là thứ mạnh mẽ nhất trong thời đại cạnh tranh gay gắt này.

Tận cùng nguyên lý của những hành động của Saigo là một trái tim chí thành mọi lúc mọi nơi. Không phải sách lược, mưu kế mà chính lòng thành trong sáng đó đã lay động lòng người.

Nếu chỉ tài năng, tri thức thì không thể khiến trái tim con người ta cùng chung nhịp đập. Con người ta không vì tiền, danh vọng hay quyền thế mà vì lòng thành thôi thúc nên có thể vượt qua gian khó, phát huy tối đa sức mạnh tinh thần.

Có thể lấy ví dụ về các công ty mới trong ngành IT. Nhiều ngôi sao trẻ xuất hiện, sau vài năm khởi nghiệp đã tham gia sàn chứng khoán, thu được khoản lãi lên đến hàng chục, hàng trăm tỷ yen, trở thành nhà lãnh đạo trẻ tuổi được yêu thích của thời đại. Nhưng số người biến mất khỏi vũ đài bởi sự cố cũng nối tiếp nhau không dứt.

Rõ ràng, chỉ tài năng không thôi thì không tồn tại lâu dài. Sự nghiệp thiếu thành tâm sẽ không nhận được sự đồng cảm, hợp tác từ chính nhân viên, đối tác và xã hội. Người lãnh đạo không có lòng thành sẽ chạy theo những kế sách nhỏ nhen, khôn vặt để rồi lầm đường mà không duy trì thành công lâu dài được.

Chương 9: Lòng tin

Một lãnh đạo từng tâm sự với tôi rằng ông ấy từng rất cảm động khi nghe tôi nói cuộc đời mình là “những ngày không ngừng nâng cao tín niệm”. Ông ấy cảm động với suy nghĩ không ngừng nâng cao quan niệm kinh doanh, cách nghĩ, quan niệm triết học chứ không phải chỉ kỹ thuật kinh doanh của tôi.

Thời trẻ, tôi luôn nhắc nhở mình phải đọc sách ít nhiều trước khi ngủ nên đầu giường chất hàng chục cuốn sách triết học và tôn giáo. Những hôm về trễ, tôi vẫn cố gắng đọc một, hai trang. Có lẽ nhờ những ngày trẻ như vậy mà tôi có thể đường đường tổng quát nửa đời mình như vậy.

Tôi dùng câu “nâng cao tâm hồn, phát triển kinh doanh” để chỉ mối quan hệ song phương của nhân cách người lãnh đạo và thành tích công ty. Cũng có thể nói đây là bản chất của kinh doanh. Muốn phát triển kinh doanh thì trước tiên phải nâng cao tâm hồn bản thân người lãnh đạo, sau đó tự nhiên thành tích cũng sẽ đi theo.

Tuy nhiên, Saigo cũng từng nói, cho dù đã tu thân, lập chí nhưng khi hữu sự mà không ứng phó được thì cũng chỉ như một hình nhân bằng gỗ. Nghĩa là phải luôn chuẩn bị để có thể ứng dụng, thực hành kiến thức có được. Dù có học bao nhiêu tri thức tinh thông của thánh hiền, có học lý luận kinh doanh, kỹ thuật bao nhiêu đi nữa mà không có dũng khí, không giữ cho mình một lòng tin mạnh mẽ, ý chí cao mà thực hành thì không thể nào khắc sâu, thu thập kiến thức vào người được, đến khi tiến hành thực tế thì không giúp ích gì.

Điểm này, như Saigo khuyên, “lập chí, quyết tâm nỗ lực vượt qua khổ nạn, chịu đựng gian khó”. Trong quá trình khắc phục khó khăn, suy nghĩ, tư tưởng đó sẽ trở thành lòng tin của ta.

Chương 10: Lập chí

Saigo cho rằng những người đứng trơ như phỗng trước con đường đi đến mục tiêu dài dằng dặc và tự mình bỏ cuộc vì nghĩ “mình không thể làm gì được” là kẻ nhu nhược, yếu đuối, chỉ biết trốn tránh.

Bất kỳ việc gì cũng bắt đầu từ tư duy một cách mạnh mẽ. Đặt ra mục tiêu thật cao và nghĩ “tôi muốn như thế”. Phải luôn giữ nguyện vọng mạnh mẽ như thể ý thức đắm chìm vào đó. Bắt đầu từ nghĩ mạnh mẽ, ngủ cũng như thức, không phút nào không nghĩ đến mục tiêu đó, từ đó thực hành lời dạy của bậc tiền nhân. Con đường đó có thể rất chông gai, có thể đầy rẫy những khó khăn, nhưng những người kiên định với ý chí mạnh mẽ sẽ không bao giờ biến mất khỏi con đường dẫn đến mục tiêu. Giả sử, dọc đường có gặp trắc trở, giậm chân tại chỗ hay vấp ngã, họ vẫn đứng dậy để tiến về phía trước. Ngược lại, những người không có chí sẽ chẳng có con đường nào mở ra.

Lập chí và bước đi. Chuyện đó không dễ dàng gì. Nhưng Saigo nói hãy lấy khó khăn làm niềm vui.

Chương 11: Tinh tiến

Năm 1997, tôi được phép quy y cửa Phật. Phật giáo gọi việc con người ta mài giũa tinh thần, nâng cao tâm hồn và cuối cùng đạt đến cảnh giới là “ngộ” và thuyết giảng “Lục độ Ba la mật đa” như con đường tu hành dẫn đến “ngộ”. Trong 6 cứu cánh Ba la mật đa đó có “tinh tiến”.

“Tinh tiến” là làm việc hết sức mình, chăm chỉ, cố gắng, ngôn ngữ hiện đại gọi là “làm việc”. Làm việc không đơn giản là cách để nhận công. “Làm việc” ở đây là hết lòng vào công việc, lao động hết sức mình với “nhất tâm bấn loạn” để xây dựng trái tim, linh hồn, nhân cách. Hễ còn sống thì không ngừng tinh tiến. Saigo đã nói phải liên tục nỗ lực hằng ngày với sự tập trung cao độ, không được lơ là. Nếu chỉ sống thờ ơ, gặp đâu hay đấy, không có cái nhìn xuyên suốt thì gặp sự cố không thể có phán đoán, hành xử đúng đắn. Đây là điểm rất quan trọng với những người đứng ở vị trí đưa ra quyết định như nhà lãnh đạo kinh doanh.

Như kinh nghiệm thời trẻ của tôi. Có những lúc quá bận rộn mà tôi giải quyết công việc cho qua, hay xem thường những kế hoạch nhỏ nên không tự mình quyết định, giao hết cho cấp dưới. Về sau, chính những quyết định và những lúc lơ là đó đã dẫn đến những rắc rối to lớn. Sau nhiều lần như vậy, tôi tuyên bố dù bận rộn đến mấy vẫn phải dành thời gian và tạo ra nơi làm việc tập trung tinh thần, trao đổi nghiêm túc. Có thể chỉ với khoảng thời gian 10 phút nhưng đó là 10 phút thật sự tập trung suy nghĩ, đưa ra kết luận.

Trên thực tế, cho đến lúc Kyocera phát triển thành một công ty có quy mô lớn, tôi luôn xem qua từng kế hoạch, hợp đồng của công ty và ra quyết định. Tôi không bao giờ giao phó cho cấp dưới giải quyết một việc nửa vời. Với những kế hoạch lớn, tôi luôn ra từng quyết định một và hầu như chưa mắc phải sai lầm nào.

Có thể đó là do tôi đã tập thói quen tập trung từ thời trẻ nên năng lực phán đoán của tôi được mài giũa. Nhưng điều tốt nhất tôi làm được là nghĩ rằng tập trung tận lực là nhiệm vụ của người đứng đầu.

Chương 12: Kỳ vọng

Gia đình, sở làm, công ty, xã hội, quốc gia, tùy vào trái tim của những người cấu tạo nên mà những tập thể này khác nhau. Nếu người sống ở đó chỉ biết nghĩ đến mình thì tình hình nhiễu nhương, nếu họ có trái tim biết nghĩ đến người khác thì sẽ có một xã hội thịnh vượng. Từ đó, vấn đề được đặt ra là trái tim, tâm hồn của từng người cấu tạo nên tập thể phải như thế nào.

Tình trạng xã hội là tấm gương phản chiếu trái tim con người. Sự phát triển bền vững của công ty, nền kinh tế hay tương lai tươi sáng, yên bình của một xã hội, quốc gia đều bắt đầu từ việc mài giũa tâm hồn của mỗi chúng ta.

Độc giả có thể tìm mua ấn phẩm tại các nhà sách hoặc tham khảo bản ebook Con Đường Đi Đến Thành Công Bằng Sự Tử Tế PDF của tác giả Inamori Kazuo nếu chưa có điều kiện.

Tất cả sách điện tử, ebook trên website đều có bản quyền thuộc về tác giả. Chúng tôi khuyến khích các bạn nếu có điều kiện, khả năng xin hãy mua sách giấy.

Nguồn: thuviensach.vn

Đọc Sách

Những Cấm Kị Khi Giao Tiếp Với Khách Hàng (Phạm Ái Minh)
Trong bán hàng và phục vụ khách hàng tồn tại rất nhiều cấm kị, chỉ có hiểu rõ những cấm kị dễ phạm phải khi giao tiếp với khách hàng mới không vi phạm, mới có thể giao dịch thành công và phục vụ khách hàng tốt hơn. Cuốn sách đã tổng kết những cấm kị dễ phạm phải khi giao tiếp với khách hàng, cơ bản gồm các phương diện: tiếp đón và gặp gỡ khách hàng; giới thiệu sản phẩm; giao dịch và sau giao dịch với khách hàng; phục vụ và xử lí ý kiến bất đồng, khiếu nại, phàn nàn của khách hàng; tâm thái khi giao tiếp với khách hàng; lễ nghi khi giao tiếp với khách hàng... Cuốn sách có góc nhìn độc đáo, bắt đầu từ góc độ của việc cấm kị, hướng dẫn nhân viên bán hàng và phục vụ khách hàng cách làm việc đúng đắn. Mỗi nội dung trong sách được dẫn dắt bằng tình huống và ví dụ cụ thể, đồng thời phân tích rõ ràng những điều cấm kị dễ phạm phải trong quá trình bán hàng hoặc phục vụ khách hàng, tìm hiểu nguyên nhân và cung cấp phương pháp tránh những điều cấm kị với khách hàng. Ngoài ra, cuốn sách có nội dung gần với thực tế, không có những khái niệm phức tạp, không có lí luận thuyết giáo khô khan mà dựa vào ví dụ thực tế, giải thích một cách trực tiếp, rõ ràng những vấn đề dễ xuất hiện trong quá trình giao lưu với khách hàng. Cuốn sách thích hợp với mọi nhân viên trong các doanh nghiệp, có giá trị tham khảo và ý nghĩa chỉ đạo rất lớn với việc nâng cao năng lực giao tiếp của nhân viên, hình thành tố chất nghề nghiệp, nâng cao trình độ văn hóa nghề nghiệp, nâng cao hiệu suất làm việc và chiếm được lòng tin của khách hàng.Độc giả có thể tìm mua ấn phẩm tại các nhà sách hoặc tham khảo bản ebook Những Cấm Kị Khi Giao Tiếp Với Khách Hàng PDF của tác giả Phạm Ái Minh nếu chưa có điều kiện.Tất cả sách điện tử, ebook trên website đều có bản quyền thuộc về tác giả. Chúng tôi khuyến khích các bạn nếu có điều kiện, khả năng xin hãy mua sách giấy.
Đứng Dậy Lần Nữa (Dale Carnegie)
Nhiều năm về trước, tôi tình cờ đọc được một cuốn sách có tên Những câu cách ngôn về cuộc đời của Carnegie. Những câu nói giản dị nhưng hàm chứa triết lí phong phú trong sách đã thu hút tôi. Carnegie chủ trương xây dựng một thái độ sống tích cực, đề xướng phát huy những ưu điểm trong tính cách, khai phá tiềm năng, bồi dưỡng nhân sinh quan tích cực. Kinh nghiệm thành công của ông đã ảnh hưởng tới toàn thế giới trong suốt hơn nửa thế kỉ qua, vô số người đã học hỏi được những điều hữu ích với bản thân từ đó. Những câu cách ngôn kinh điển này luôn có ích cho sự phát triển của chúng ta. Xã hội hiện nay tuy phát triển với tốc độ nhanh chóng, khoa học kĩ thuật, kinh tế đều không ngừng tiến bộ, nhưng cạnh tranh cũng ngày càng khốc liệt. Trong bối cảnh như vậy, chúng ta cần học hỏi kinh nghiệm của người đi trước để có thể phát triển tốt hơn, nâng cao tố chất tự thân, khiến bản thân thực hiện được những mục tiêu to lớn hơn trong cuộc đời. Cuốn sách này đúc rút những tinh tuý trong lí thuyết thành công của Carnegie, đồng thời giải thích chúng một cách tường tận qua các câu chuyện thú vị, nội dung phong phú và ngụ ý sâu sắc, chắc chắn sẽ đem lại cho độc giả nhiều điều bổ ích. Luôn kiên trì, không từ bỏ dễ dàng là một trong những tinh tuý mấu chốt trong lí thuyết thành công của Carnegie, bởi đó là điều kiện bắt buộc để thành công. Khi mới xuất bản sách, Carnegie cũng từng trải qua nhiều lần thất bại, nhưng ông tin vào năng lực của bản thân, đồng thời kiên trì với quan điểm của mình, nhờ đó đạt được thành công. “Kiên trì bền chí, vượt qua giới hạn” sẽ giúp chúng ta tạo ra được một cuộc sống vui vẻ và thành công!Dưới đây là những tác phẩm đã xuất bản của tác giả "Dale Carnegie":Quẳng Đi Gánh Lo Và Vui SốngBậc Thầy Của Nghệ Thuật Giao TiếpTâm Lý Vợ ChồngChiến Thắng Nỗi Lo Và Sự Căng ThẳngBằng Hữu Chi GiaoTrở Thành Người Lãnh Đạo Hiệu QuảNghệ Thuật Nói Trước Công ChúngQuẳng Gánh Lo Đi Và Vui SốngThay Đổi Để Thành CôngĐứng Dậy Lần NữaLợi Thế Bán HàngĐộc giả có thể tìm mua ấn phẩm tại các nhà sách hoặc tham khảo bản ebook Đứng Dậy Lần Nữa PDF của tác giả Dale Carnegie nếu chưa có điều kiện.Tất cả sách điện tử, ebook trên website đều có bản quyền thuộc về tác giả. Chúng tôi khuyến khích các bạn nếu có điều kiện, khả năng xin hãy mua sách giấy.
Những Người Thành Công Nhất Làm Gì Trước Bữa Sáng (Laura Vanderkam)
Bí quyết tận dụng thời gian hiệu quả của những cá nhân kiệt xuất Ai trong chúng ta cũng đều mong muốn sẽ thành công. Thế nhưng dù khao khát đó có mãnh liệt đến mấy, việc thay đổi thói quen cố hữu - một phương pháp hiệu quả để bước gần tới thành công - cũng là một nhiệm vụ thực sự khó khăn. Thật may mắn vì Laura Vanderkam đã mang tới cho chúng ta một giải pháp: thay vì phải sắp xếp lại toàn bộ cuộc sống của mình, bạn có thể thành công chỉ bằng việc thay đổi vài thói quen mỗi sáng. Nghe có vẻ là một lời đề nghị rất hấp dẫn phải không? Tôi tin rằng mỗi sự thay đổi đều có thể khiến bạn đạt được những thành công không ngờ tới. Chỉ cần dành vài phút mỗi sáng để suy nghĩ, sắp xếp những việc mình cần làm trong ngày trước khi phần còn lại của thế giới thức dậy, bạn có thể biến ngày làm việc của mình trở nên hiệu quả và tràn ngập năng lượng. Hãy luôn khẳng định với bản thân rằng mỗi ngày mới sẽ là một chuyến phiêu lưu kỳ thú đáng để bạn khám phá.Độc giả có thể tìm mua ấn phẩm tại các nhà sách hoặc tham khảo bản ebook Những Người Thành Công Nhất Làm Gì Trước Bữa Sáng PDF của tác giả Laura Vanderkam nếu chưa có điều kiện.Tất cả sách điện tử, ebook trên website đều có bản quyền thuộc về tác giả. Chúng tôi khuyến khích các bạn nếu có điều kiện, khả năng xin hãy mua sách giấy.
Mơ Ước Lớn Thì Đừng Hành Động Như Người Tầm Thường (Lâm Nhất Phù)
"Người không tầm thường là người có thể kiên trì làm cho tốt công việc cần làm mỗi ngày, cũng là người có đủ dũng cảm đứng lên, đưa ra quyết định chính xác nhất khi đối mặt với sự việc bất ngờ xảy ra." Kẻ khốn cùng nhất không phải là kẻ không có một đồng xu dính túi mà là kẻ không có nổi một ước mơ Có phải rằng chúng ta, ở mỗi thời điểm khác nhau, ở mỗi độ tuổi khác nhau đều có suy nghĩ và ước mơ không giống nhau và cũng chẳng giống ai. Có thể là giấc mơ điên rồ mà không thể tưởng tượng nổi độ mù quáng đến khác lạ như chạm vào các vì sao, cũng có thể là giấc mơ đơn giản tới mức mà ai cũng cảm tưởng sẽ thực hiện được như được đi học cùng bạn bè,... Dù gì đi nữa thì cuộc sống của mỗi chúng ta không ai có thể sống thiếu ước mơ, ước mơ mang đến hạnh phúc. Vậy đấy, hạnh phúc không phải là tìm thấy giấc mơ, mà là hành trình tìm kiếm giấc mơ Bạn sẽ cảm thấy hối tiếc khi cuộc đời bạn không có tiếng cười, không có cảm xúc. Hãy hiện thực hóa ước mơ để cuối cùng bạn luôn cảm thấy hạnh phúc. Một người lúc nhỏ cơm không đủ ăn sau này cũng có thể trở thành nhà tỷ phú, một người nghèo khó cùng cực sau này cũng có thể trở thành người lãnh đạo kiệt xuất. Bởi ước mơ lớn sẽ có những hành động lớn, hành động lớn sẽ mang về thành công lớn. Tìm mua: Mơ Ước Lớn Thì Đừng Hành Động Như Người Tầm Thường TiKi Lazada Shopee Mọi thứ đều có đánh đổi, đánh đổi bằng thời gian, tuổi trẻ, công sức, mồ hôi và cả nước mắt. Tất cả chỉ là giả thiết "Nếu -If", bạn không làm thì bạn không biết chuyện gì sau đó. Cuộc sống là vậy, chúng ta thường sẽ tiếc nuối vì chúng ta đã không làm hơn là những gì chúng ta đã làm. Trong một xã hội sống thực dụng với những mưu cầu cá nhân như hiện nay, sẽ không tránh khỏi những lúc chúng ta gạt băng đi cái ước mơ của chúng ta, để chúng ta đi theo cái ước mơ của xã hội. Rồi chúng ta lại phải nói “giá như”. Chúng ta chỉ sống một lần, và chúng ta đang hướng tới đích đến là cái chết, ai cũng vậy. Tại sao chúng ta không một lần sống thật tốt, sống là chính mình, sống như mình hằng mong muốn chứ không phải như xã hội ngoài kia mong muốn thay cho chính mình. Chúng ta đang đi tìm sứ mệnh của cuộc đời, chứ không phải chúng ta lỡ được sinh ra trên đời rồi thì phải ráng sống cho hết đời. Một người có thể thích nghi hòa hợp với môi trường xung quanh hay không, chủ yếu phụ thuộc vào nội tâm của bản thân. Môi trường luôn âm thầm ảnh hưởng đến bạn nhưng nó vĩnh viễn không thể quyết định được bạn. Bạn cần trưởng thành trong điều kiện khó khăn để trở thành người mà bạn mong muốn. Thành công sẽ đến với những ai biết rõ mình muốn gì và không bao giờ bỏ cuộc cho đến khi đạt được điều đó, thử thách là một phần quan trọng của cuộc sống và phải sử dụng nó ta mới có được thành công. Đó chính là thông điệp mà tác giả Lâm Nhất Phù gửi gắm đến trong cuốn sách "Mơ ước lớn thì đừng hành động như người tầm thường" Có gì trong cuốn sách: Mơ ước lớn - Thì đừng hành động như người tầm thường Giấc mộng không cam chịu sự tầm thường của thời niên thiếu Giống như thời niên thiếu, chúng ta đều có giấc mộng anh hùng không cam chịu sự tầm thường. Người không tầm thường là người có thể kiên trì làm cho tốt công việc cần làm mỗi ngày, cũng là người có đủ dũng cảm đứng lên, đưa ra quyết định chính xác nhất khi đối mặt với sự việc bất ngờ xảy ra. Con trai thường mơ ước trở thành anh hùng cứu cả thế giới. Con gái thì mộng tưởng mình là một cô công chúa sống trong lâu đài. Mọi người thường tưởng tượng tương lai mình sẽ là nhạc sĩ, họa sĩ, nhà khoa học, kỹ sư. Tóm lại đều là những người xuất chúng, không ai muốn làm ngọn cỏ vô danh bên đường. Thời kỳ này, ước mơ của mỗi người giống như mầm non đâm chồi, bắt đầu có những hình dạng khác nhau và sẽ trở thành những cây cũng hết sức khác nhau khi trưởng thành. Nhưng dù sao, không có một ai mơ ước bản thân trong tương lai sẽ trở thành một người tầm thường lẫn trong đám đông! Chúng ta thừa nhận sự bình thường nhưng không thỏa hiệp với sự tầm thường Phần lớn chúng ta chỉ có một cuộc sống bình thường. Không có tài hoa thiên phú, không có xuất thân hiển hách, cho dù nỗ lực đến thế nào đi chăng nữa cũng không sao sánh được với những người có cuộc sống luôn thuận buồm xuôi gió. Cuộc sống nhàn hạ luôn khiến con người khó mà kháng cự. Nhưng cuộc sống nhàn hạ thực sự chỉ có thể đạt được khi bạn nuôi dưỡng tính kỷ luật một cách chủ động tích cực, có đủ khả năng khống chế điều khiển được cuộc sống thì mới có thể đạt được. Tuy nhiên, trên thế giới này có rất nhiều người không chấp nhận trải qua một cuộc sống tầm thường. Họ luôn mang trái tim không bao giờ nhận thua, không thỏa hiệp, không từ bỏ, không chấp nhận tạm bợ, nỗ lực thay đổi bản thân từng ngày. Họ tự cho mình cơ hội để trải nghiệm những chuyện mà mình không biết, phía trước vẫn là một ẩn số hãy cứ tiến lên để tìm hiểu. Bởi họ thừa nhận sự bình thường của hiện tại nhưng không bao giờ thỏa hiệp với sự tầm thường.Độc giả có thể tìm mua ấn phẩm tại các nhà sách hoặc tham khảo bản ebook Mơ Ước Lớn Thì Đừng Hành Động Như Người Tầm Thường PDF của tác giả Lâm Nhất Phù nếu chưa có điều kiện.Tất cả sách điện tử, ebook trên website đều có bản quyền thuộc về tác giả. Chúng tôi khuyến khích các bạn nếu có điều kiện, khả năng xin hãy mua sách giấy.